Thị trường Tài Chính ngày 25/6

0
590

Giá vàng tăng “nhảy vọt”, lên sát 40 triệu đồng/lượng

Chỉ trong nửa ngày giao dịch, giá vàng trong nước đã tăng khoảng 700 nghìn – 1 triệu đồng/lượng. Tại một số cửa hàng, giá vàng có thời điểm tăng lên tới 39,94 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Sau đà tăng mạnh sáng nay, đầu giờ chiều, giá vàng trong nước tiếp tục tăng vọt theo giá vàng thế giới. Trên thị trường thế giới, giá vàng giao tháng 8/2019 đã có lúc đạt mức 1.421 USD/ounce, tương đương với hơn 40,4 triệu đồng/lượng theo tiền Việt Nam. Trong nước, vàng trang sức đã tăng lên gần 40 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, lúc 1h30 chiều hôm nay (25/6), PNJ niêm yết giá vàng nữ trang thương hiệu PNJ 24k ở mức 38,9 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 39,8 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Vàng SJC tại các cửa hàng ở TP.HCM tăng lên 39,05-39,5 triệu đồng/lượng.

Vàng thương hiệu DOJI bán lẻ tại các cửa hàng Hà Nội tăng lên 39,27-39,77 triệu đồng/lượng; vàng SJC tại doanh nghiệp này cũng đã tăng lên 39,79 triệu đồng/lượng vào lúc 1h30 chiều hôm nay. So với chiều hôm qua, vàng tại doanh nghiệp này đã tăng gần 800 nghìn đồng/lượng. 

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đẩy giá vàng lên gần 40 triệu/lượng trong chiều này. Giá vàng SJC loại 0,5 chỉ, 1 chỉ, 2 chỉ tại vàng bạc đá quý Sài Gòn tăng lên 39,25-39,53 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn 99,99 tăng lên 38,95-39,55 triệu đồng/lượng.

Vàng rồng Thăng Long ở Bảo Tín Minh Châu hiện ở mức 39,79 triệu đồng/lượng chiều bán ra, có lúc đã tăng lên tới 39,94 triệu đồng/lượng.

Như vậy, chỉ trong nửa ngày giao dịch, giá vàng trong nước đã tăng từ 700 nghìn đến gần 1 triệu đồng/lượng và chạm mốc gần 40 triệu/lượng. 

Dầu WTI tăng tiếp 

Giá dầu diễn biến trái chiều phiên đêm qua do lo sợ của thị trường về khả năng một cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran dịu đi, trong khi lo lắng về nhu cầu dầu thô đang sụt giảm lại xuất hiện.

Đóng cửa phiên ngày 24/6, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 8 giảm 34 US cetn hay 0,5% xuống 64,86 USD/thùng. Dầu thô Tây Texas WTI tăng 47 US cent hay 0,8% lên 57,90 USD/thùng.

Trong tuần trước dầu Brent tăng 5% và dầu WTI tăng 10% sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ, bổ sung thêm căng thẳng gây ra bởi các cuộc tấn công vào tàu chở dầu tại khu vực vùng Vịnh trong tháng 5 và tháng 6/2019 mà Washington đã đổ lỗi cho Iran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Iran trong ngày 24/6.

Hy vọng về sự tiến bộ trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung tại cuộc họp G20 cuối tuần này yếu dần khi các nhà đầu tư đợi một cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Số liệu sản xuất yếu được Ngân hàng dự trữ liên bang Dallas công bố đã bổ sung thêm lo lắng về nhu cầu dầu thô đang giảm.

Nguồn cung dự kiến vẫn khá thắt chặt, khi tổ chức OPEC và các đồng minh gồm cả Nga có khả năng gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng khi họ nhóm họp vào ngày 1 -2/7 tại Vienna.

Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết sự hợp tác quốc tế về sản xuất dầu thô giúp ổn định các thị trường dầu và quan trọng hơn bao giờ hết. Ông cũng bày tỏ lo ngại về nhu cầu.

Giá thép Trung Quốc tăng vọt do nhu cầu phục hồi

Giá thép kỳ hạn của Trung Quốc tăng vọt trong phiên vừa qua, với thép thanh dùng trong xây dựng gần mức cao nhất trong 8 năm và thép cuộn cán nóng lên mức cao nhất trong lịch sử, do nhu cầu phục hồi trong khi tình trạng hạn chế sản lượng kéo dài nhằm giảm ô nhiễm không khí.

Hợp đồng thép thanh kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng vọt khoảng 3,9% lên 3.966 CNY (577 USD)/tấn, cao nhất kể từ tháng 8/2011 trước khi đóng cửa tăng 2,3%.

Thép cuộn cán nóng đóng cửa tăng 3,7% lên 3.846 CNY/tấn sau khi đạt 3.928 CNY trong đầu phiên giao dịch.

Đường Sơn, thành phố thép hàng đầu của Trung Quốc đã áp đặt hạn chế sản lượng mới với các công ty quặng sắt và thép vì mức ô nhiễm khí công nghiệp liên tục cao.


Trong khi giá thép phục hồi ổn định bắt đầu từ ngày 19/6, giá nguyên liệu thô sản xuất thép tiếp tục giảm sau khi tăng mạnh gần đây, dấy lên sự lạc quan rằng lợi nhuận của ngành thép sẽ cải thiện.

Nhà nghiên cứu số liệu quặng sắt và thép thuộc công ty Tivlon Technologies cho biết nhu cầu thép từ Trung Quốc đã trở lại rất mạnh.

Quặng sắt vượt trội so với các nguyên liệu chứa sắt khác tại Trung Quốc trong năm nay với mức tăng 84%, khi nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới Brazil hạn chế xuất khẩu sau vụ vỡ đập gây chết người trong tháng 1/2019.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 1,1% xuống 813,5 CNY/tấn, rời khỏi mức cao kỷ lục 837 CNY đã đạt được trong ngày 20/6/2019, bất chấp dự trữ sụt giảm tại các cảng Trung Quốc.

 

Cao su giảm xuống mức thấp nhất 2,5 tuần

Giá cao su tại Tokyo phiên qua giảm xuống mức thấp nhất trong 2,5 tuần do việc điều chỉnh hợp đồng, nhưng thị trường đang hướng đến cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh G20 tuần này.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11/2019 trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) đóng cửa giảm 1,8 JPY xuống 198 JPY (1,84 USD)/kg, sau khi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 6/6/2019 tại 195,6 JPY trong đầu phiên giao dịch.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 155 CNY đóng cửa tại 11.600 CNY (1.686 USD)/tấn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here