Đang là trưởng bộ phận Thanh toán – Vận hành tại một ngân hàng nước ngoài với mức thu nhập dư dả, Nguyên Võ vẫn từ bỏ để đi làm startup ống hút cỏ khiến gia đình rất đau đầu.
Gặp Võ Quốc Thảo Nguyên (Nguyên Võ) – Founder kiêm CEO của dự án ống hút cỏ Green Joy Straw ở một quán café tại TP.HCM vào một buổi sáng thứ 3 bận rộn, nữ startup khiến tôi ấn tượng bởi sự nhiết huyết và đam mê khởi nghiệp với các sản phẩm từ thiên nhiên.
Cô xuất hiện cùng hộp giấy đựng khoảng 50 ống hút cỏ trên tay và không quên dặn nhân viên của quán “Đừng bỏ ống hút nhựa vào ly của chị, chị có ống hút đây rồi”. Nữ CEO sinh năm 1988 cho biết cô thường cho hộp ống hút cỏ vào túi xách khi đi ra ngoài chứ tuyệt đối không dùng ống hút nhựa. Nguyên Võ cũng mong muốn rằng ở tương lai, trong túi xách của bất kể người Việt nào cũng xuất hiện hộp ống hút làm từ cây cỏ bàng để giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường.
Khát vọng thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa của người Việt
Nguyên Võ tốt nghiệp Đại học ngân hàng TP.HCM, sau đó có 2 năm đi du học ở Châu Âu về MBA. Khi trở về, cô lại tiếp tục làm việc tại một ngân hàng nước ngoài. Bằng kiến thức và kinh nghiệm vốn có, Nguyên Võ nhanh chóng được ngồi vào ghế Trưởng bộ phận Thanh toán và Vận hành với mức lương khủng, đủ để trang trải cuộc sống thoải mái cho bản thân, gia đình và còn thường xuyên đi du lịch ở nước ngoài.
Tuy nhiên, sau 8 năm làm việc trong ngành ngân hàng Nguyên Võ bắt đầu chán nản với những con số. Cô nhận thấy đây không phải là niềm đam mê thực sự của mình. Trong một lần tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, Nguyên Võ bắt gặp hình ảnh một con rùa bị mắc kẹt trong chiếc ống hút bằng nhựa. Hay những lần đi đến bãi biển, cô nhận thấy người Việt thường có thói quen dùng đồ nhựa rồi để lại môi trường rất mất mỹ quan.
“Đôi khi chúng ta nghĩ 1 cái ống hút nhỏ, 1 cái ly nhựa không gây ảnh hưởng nhiều nhưng cứ thử nghĩ con số đó nhân lên nhiều lần thì khủng khiếp ra sao, mất cả hàng mấy trăm năm để phân hủy. Trong khi đó, nếu sản xuất ra được những sản phẩm từ thiên nhiên thì nếu một người vô ý vứt lại cũng phân hủy rất nhanh và không gây tác động xấu”, Nguyên Võ nói.
Từ đó, cô bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu về các sản phẩm từ cỏ. Song song với việc làm ngân hàng, tháng 3/2018 cô cùng nhóm bạn đã gửi ý tưởng ống hút làm từ cỏ bàng tham dự cuộc thi Falling Walls Lab do Đức phối hợp với các trường Đại học ở Việt Nam tổ chức và đoạt giải nhất. Đến tháng 11/2018, Nguyên Võ vinh dự là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự vòng chung kết được tổ chức tại Berlin, Đức – quy tụ 100 đại diện xuất sắc từ các nước trên toàn thế giới.
“Tham gia để mục tiêu đóng góp ý tưởng hay cho xã hội nhưng tôi không ngờ đoạt giải ‘Phá vỡ bức tường ống hút nhựa’. Giải pháp cây cỏ bàng đã được hội đồng ban giam khảo đánh giá cao và đoạt giải nhất ở Việt Nam. Tuy không đạt kết quả ở vòng chung kết tại Đức nhưng ý tưởng này đã được nhiều giám khảo nhận định là rất thiết thực, có thể phát triển ở nhiều thị trường trên thế giới”, cô nhớ lại.
Cũng trong quá trình chờ nhận kết quả, Nguyên Võ tiếp tục đi tìm hiểu quy trình trồng cỏ, tham gia cuộc thi khởi nghiệp về môi trường của đại sứ quán Mỹ và tiếp tục được đánh giá cao về ý tưởng này. Từ đó, cô nghĩ rằng ống hút cỏ có thể bắt đầu một startup và mang lại giá trị cho cộng đồng. Sau thời gian đắn đo, cô đã quyết định nghỉ hẳn việc ở ngân hàng để tập trung toàn bộ vốn liếng, thời gian, công sức cho Green Joy.
“Khi thành lập công ty, ngoài việc thay đổi tư duy, giúp cộng đồng góp phần đưa giải pháp kinh doanh bền vững, lan tỏa tinh thần sống xanh đến cộng đồng thì tôi còn muốn truyền tải sứ mệnh giúp đỡ cộng đồng. Giúp được người dân địa phương có được công việc tốt với mức thu nhập ổn định”, nữ CEO quả quyết.
Nhiều đêm thức trắng với câu hỏi “Sao phải làm nông dân khổ vậy?”
Từng đi du học và đang làm ở một ngân hàng nước ngoài với mức lương rất tốt, Nguyên Võ đùng một cái từ bỏ hết để đi khởi nghiệp là điều khó chấp nhận đối với gia đình. Sau thời gian nỗ lực thuyết phục thì chỉ có mẹ cô là ủng hộ, còn bố và các anh chị em trong nhà thường xuyên gọi điện trách móc, yêu cầu Nguyên Võ phải quay lại làm trong ngân hàng.
‘Mọi người không chấp nhận tôi làm nông dân. Họ cứ hỏi tôi tại sao lại ngớ ngẩn như vậy, tại sao không làm ngân hàng mà khổ sở như vậy để làm gì? Làm ngân hàng thì công việc nhàn rỗi, chỉ vất vả đầu óc thôi chứ tay chân lúc nào cũng sạch sẽ, ăn ngon mặc đẹp. Còn làm ống hút cỏ thì tôi là nông dân đúng nghĩa rồi, phải lặn lội ra cánh đồng thăm cỏ, phải nắng nôi, vất vả, tiền thì không có nhưng tôi quả quyết đã làm là làm đến cùng”, Nguyên Võ nói.
Vì không muốn gia đình bận lòng nên Nguyên Võ tự thân vận động toàn bộ. Cô dùng hết vốn liếng tích cóp từ thời đi học và làm ngân hàng để tập trung cho dự án này. Khi khó khăn, nữ CEO vay mượn bàn bè để đi tiếp. Là CEO nhưng phải kiêm rất nhiều khâu, có những đêm Nguyên Võ chỉ ngủ 1-2 tiếng vì phải lên đơn hàng, chốt đơn hàng, tính toán tiền lương cho nhân công.
“Tôi không có kinh nghiệm nhiều về nông nghiệp, trong khi trước đó lại làm ở văn phòng, thường xuyên tiếp xúc với các con số, thu chi nên khi chuyển qua làm startup phải kiêm tất cả mọi thứ từ Marketting, bán hàng, giao hàng, vận hành, sản xuất, tài chính, kế toán…vv. Làm việc với bà con nông dân nên phải học rất nhiều thứ. Nhưng cái vui nhất chính là nụ cười của bà con nông dân và những câu chuyện ý nghĩa từ khách hàng đã thôi thúc tôi không được bỏ cuộc”, cô nói.
Tuy nhiên, nữ CEO cho biết cũng không ít lần công ty đứng trên bờ vực phá sản vì cạn vốn, đầu tư nhiều nhưng không có lãi, không đủ cover cuộc sống hằng ngày. Nhiều lần cô cảm thấy bất lực vì một mình không thể làm hết mọi việc. Trong một lần cô định dừng lại thì vô tình có một vị khách ở Singapore bay sang tận nơi, kể cho Nguyên Võ nghe câu chuyện 4 đứa con của mình thường xuyên hỏi rằng “Mẹ ơi, tại sao môi trường lại ô nhiễm như vậy?”. Người phụ nữ này muốn gặp trực tiếp Nguyên Võ, muốn đi thăm cánh đồng cỏ bàng ở Long An, tận mắt thấy người nông dân làm ra những chiếc ống hút từ cỏ và mong muốn đưa về Singapore nhân rộng ở thị trường này. Từ đó, Nguyên Võ nhận thấy công việc mình làm thật sự có giá trị cho cộng đồng nên tự nhủ “khó khăn cách mấy cũng không được bỏ cuộc”.
Mặt khác, cựu nhân viên ngân hàng cũng mong muốn mô hình được mở rộng ra nhiều thị trường trên thế giới để tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân Việt Nam, bao tiêu đầu ra cho họ, giảm thiểu được tình trạng người nông dân cứ ồ ạt đi trồng hoa quả theo phong trào rồi khổ sở vì phải bán tháo bán đổ như thời gian qua.
“Những người phụ nữ ở nhà nội trợ hay đưa đón con, trong thời gian rảnh họ có thể trồng cỏ, tự tay tạo ra sản phẩm cho môi trường. Khi họ tự tay làm ra ống hút cỏ, họ nâng niu và sẽ không dùng ống hút nhựa nữa. Họ làm bằng đam mê, chú trọng tất cả các giai đoạn để làm ra ống hút đẹp nhất. Đó là niềm vui của bà con cũng là niềm vui của mọi người trong công ty”, nữ CEO trải lòng.
Quy trình tạo ra 1 chiếc “ống hút cỏ bàng”
Cây cỏ bàng sau khi được thu hoạch sẽ trải qua 7 bước. Đầu tiên là bà con nông dân sẽ bóc lớp màng bên ngoài, sau đó rửa sạch với nước muối. Tiếp theo là nhân công sẽ cắt 1 cây cỏ ra khoảng 4 ống với kích thước từ 18-20cm. Bước 3 là thông ống bằng cây thông cọ bằng sắt hoặc đồng để đẩy lớp màng màu trắng bên trong ra ngoài.
Tiếp đến là mang đi rửa sạch 1 lần nữa rồi đưa vào công nghệ tiệt trùng để đảm bảo không bị ẩm mốc. Nếu ống hút cỏ tươi sẽ được gói trong lá chuối và giao luôn cho khách, dùng trong 1 tháng. Với sản phẩm ống cỏ khô được sấy bằng máy, cho vào hộp giấy và khách hàng có thể bỏ vào túi xách để mang đi bất cứ đâu.
Theo kinh nghiệm của Nguyên Võ, cây cỏ bàng dễ trồng hơn rất nhiều so với các loại cây khác, chủ yếu sống ở đất nhiễm phèn và không đòi hỏi quá nhiều về dinh dưỡng. Khi nước dâng cao hay lũ lụt thì cỏ lại mọc tốt hơn, tối đa trong vòng 2 năm là có thể thu hoạch.
Loại cây này trước đây bà con nông Nam bộ trồng khá nhiều để làm chiếu hay các dụng cụ đan lát. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển thì nghề này dần mai một và bà con cũng bỏ dần nghề trồng cỏ bàng. Tuy nhiên, khi thị trường ống hút cỏ phát triển thì bà con có thể tiếp tục trồng cỏ và luôn có sẵn đầu ra. Nguyên Võ nhận định ống hút cỏ có khả năng phát triển hơn ống hút giấy và ống hút gạo bởi độ bền và đảm bảo vệ sinh tối đa.
Trong xu thế ô nhiễm môi trường đáng báo động như hiện nay thì ống hút cỏ là sản phẩm mà cả thế giới cần đến. Trong tương lai, nữ CEO dự tính tận dụng hết các nguyên liệu ở phần trên thân cây để làm thêm các sản phẩm thân thiện với môi trường như tay cầm cho ly, rổ, rá nhỏ, miếng lót ly, lót chén.
“Đây là các sản phẩm xanh có thể cung cấp cho nhà hàng khách sạn. Điều này một phần giảm thiểu rác thải nhựa tuy tiện lợi nhưng mức độ bền vững quá lâu, ảnh hưởng môi trường xung quanh và đại dương. Tôi mong muốn truyền tải thông điệp đến mọi người, khi đi du lịch, ra biển ăn uống thì phải dọn dẹp sạch sẽ chỗ ngồi của họ. Từ ý thức và hành động nhỏ của mình sẽ lan tỏa thông điệp đến những người xung quanh”, cô nói.
Trải qua 8 tháng hoạt động, Green Joy hiện đã cung cấp cho 100 chuỗi nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam. Hơn 30 thị trường tiếp cận với sản phẩm ở các quốc gia: Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Malaysia, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Khoảng hơn 10 khách hàng ở các nước đã bay qua tận nơi gặp Nguyên Võ và nghe cô chia sẻ trực tiếp về ý tưởng này. Họ mong muốn giúp nữ CEO mang sản phẩm ra thị trường thế giới. Nguyên Võ cho biết hiện tại cô đang thuê khoảng 2 héc ta đất để trồng cây cỏ bàng tại Long An. Trong thời gian chờ đợi thu hoạch, cô ký hợp đồng với các hộ nông dân khác để có lượng cỏ ổn định cung cấp cho các đơn hàng ngày càng nhiều. Trong tương lai, nữ CEO sẽ nhân rộng mô hình trồng cỏ bàng ra thêm nhiều tỉnh khác để tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân.