Nếu như Warren Buffett, Irving Kahn tiêu biểu cho trường phái đầu tư giá trị, Larry Fink, James Simons đại diện cho trường phái định lượng thì giới quan sát rất khó nhìn thấy Stephen Schwarzman thuộc dạng nào…
Trong khoảng ba thập niên qua, cùng với sự thăng trầm của thị trường chứng khoán Mỹ, hình ảnh của những nhà môi giới chứng khoán cũng có nhiều thay đổi. Vào thập niên 1980, các nhà môi giới của Wall Street mang dây đeo quần màu đỏ, đi ăn ở nhà hàng Le Cirque, kiếm tiền chủ yếu từ việc mua bán trái phiếu.
Một thập niên sau, họ mặc áo thun và chơi banh bàn suốt ngày ở các công ty đầu tư mạo hiểm nằm dọc theo con phố Sand Hill ở thung lũng Silicon nhưng vẫn kiếm được bạc tỉ nhờ cơn sốt chứng khoán công nghệ. Nhưng nay thì Wall Street, cái nôi của thị trường chứng khoán New York, gần như đang bị thống lĩnh bởi những “tay chơi có tầm vóc” mới nổi lên.
Và Stephen Schwarzman – người làm nên sự thành công của Blackstone, được giới đầu tư một thời xem là tiêu biểu cho thế hệ các “ông trùm” mới ở phố Wall, vừa giỏi kinh doanh vừa giỏi quan hệ với giới cầm quyền. Hiện tại ông đang giữ chức vụ là Chủ tịch Diễn đàn Chiến lược và Chính sách. Ông cũng chính là người “bạn thân” luôn được Donald Trump tham khảo ý kiến và cố vấn cho Tổng thống.
Hiện nay, tập đoàn của ông đang quản lý rất nhiều tài sản hàng đầu thế giới bao gồm các khoản đầu tư tập trung vào cổ phiếu, bất động sản… Mặt khác, Blackstone cũng đồng thời là nhà cung cấp các dịch vụ tư vấn tài chính và tư vấn chiến lược như quản lý tài chính, tái cấu trúc danh mục đầu tư.
Lùi lại dòng sự kiện vào năm 1985, Schwarzman thành lập Blackstone với chỉ hai hội viên và hai trợ lý. Công ty này, ngày nay, đã trở thành một trong những thế lực với danh mục đầu tư đa dạng hơn rất nhiều so với thời điểm khởi đầu bằng bất động sản năm 1991. Tính tới ngày 30/6/2019, Blakcstone quản lý 545 tỷ USD tài sản, với hệ thống 24 văn phòng trên khắp thế giới cùng 2.400 nhân viên. Ngày nay bất động sản chiếm khoảng 1/3 tổng tài sản mà Blackstone quản lý (khoảng 154 tỷ USD tính tới 30/6), phần lớn số còn lại được dành cho quỹ đầu tư vốn cổ phần, các khoản đầu tư chủ động và các công cụ tài chính.
Bất chấp sự thăng trầm của thị trường, hoạt động kinh doanh của Stephen Schwarzman gần như thắng nhiều hơn bại. Chẳng hạn năm 2004, Blackstone mua Công ty Hóa chất Celanese khi các nhà đầu tư quay lưng với nó; sau đó Schwarzman nhanh chóng đưa nó lên sàn. Mua Celanese ở Đức nhưng Schwarzman lại phát hành cổ phiếu của Celanese ở Mỹ, nơi các công ty hóa chất được ưa chuộng hơn, và thực tế đã thu lãi rất lớn.
Trong giai đoạn từ những năm 1990 đến nay, Blackstone có tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) đạt 15%. Các công ty mà Blackstone kiểm soát hiện đang sử dụng khoảng 400.000 nhân viên, nhiều hơn cả IBM và tương đương số nhân viên của chuỗi siêu thị Kroger. Kể từ khi Blackstone niêm yết cổ phiếu năm 2007, hãng đã tạo ra khoảng 41 tỷ USD cho các cổ đông.
So với các huyền thoại đầu tư trong quá khứ, những nhà đầu tư thuộc thế hệ mới – như Schwarzman – ông luôn chia sẻ với nhân viên về hai kinh nghiệm xương máu của chính mình trong đầu tư:
1. Chủ động hơn trong việc tạo dựng mối quan hệ với các chính trị gia, chuyên gia đầu ngành…
Với quan điểm “làm ăn thì phải có quan hệ”, những nhà đầu tư thế hệ mới như ông chủ của Blackstone không chỉ chú ý đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà còn cả các mối quan hệ phức tạp nữa.
Nhiều người khác thì cho rằng Schwarzman thuộc trường phái “thực dụng”. Nghĩa là tùy vào từng hoàn cảnh có thể sử dụng những phương pháp khác nhau, thậm chí có thể đối lập nhau. Ông không bị ám ảnh và cũng không tự trói buộc mình vào một triết lý cụ thể nào cả.
Warren Buffett chắc chắn sẽ không bao giờ lướt sóng cổ phiếu của mình vài lần trong một năm hay tận dụng các thông tin hành lang để kiếm lời nhưng Stephen Schwarzman sẽ làm như vậy nếu thấy việc đó có thể đem lại lợi nhuận.
Ông cũng có hệ thống phân tích định lượng với các chuyên gia hàng đầu thế giới nhưng ông cũng sẵn sàng vứt nó qua một bên nếu như những người bạn nổi tiếng của ông như Donald Trump, Jack Ma, Vương Kỳ Sơn, Wilbur Ross… cung cấp cho ông một số thông tin hay gợi ý có giá trị về chính sách của Chính phủ trong tương lai. Rõ ràng, dưới góc nhìn này thì Stephen Schwarzman rất giống với một lái buôn quyền lực.
Các nhân viên của Stephen Schwarzman cũng vậy, họ không chỉ là những người giỏi phân tích các báo cáo tài chính mà còn phải là những người khéo léo và biết cách tạo quan hệ trong các hệ thống quyền lực.
Theo như ông chủ Stephen Schwarzman chia sẻ, “mô hình cũ là mua lại các công ty tăng trưởng chậm, tạo thêm đòn bẩy và sau đó bán tài sản giờ đã chết rồi”. Tầm nhìn mới của Blackstone là 1 doanh nghiệp muốn thống trị thị trường các tài sản đầu tư thay thế (alternative investment).
2. Tự thoát khỏi “bẫy tâm lí” trong đầu tư
Những cảm xúc rất đỗi bình thường có lẽ lại là kẻ thù lớn nhất của một nhà đầu tư. Do đó, chìa khóa để thành công trong giới đầu tư, dù bạn đang đầu tư dài hạn hay lướt sóng, là sự kỷ luật. Mọi giao dịch phải nằm trong một kế hoạch. Bạn phải biết chính xác mình sẽ bán chứng khoán ở mức giá nào, cao hay thấp.
Tốt hơn vẫn nên đặt các lệnh dừng với mỗi lệnh mua, bởi vì ngay khi thị trường bắt đầu biến động, mọi thứ trở nên khó nắm bắt. Mọi người thường nghĩ việc lựa chọn điểm rơi để vào giao dịch là khó nhưng thực ra xác định điểm rơi để ra khỏi giao dịch mới khó hơn rất nhiều. Bạn cứ tưởng việc chốt lãi hoặc cắt lỗ là dễ, nhưng một khi bạn nắm giữ một cổ phiếu biến động nhanh, nỗi sợ hãi và lòng tham sẽ nhanh chóng làm bạn thiếu sáng suốt và dễ dàng thua lỗ.
Để tránh được cái bẫy này, hãy trả lời một câu hỏi mà những người thành công luôn tự hỏi bản thân họ về những khoản đầu tư họ đang nắm giữ: “Nếu ngày hôm nay bạn không nắm giữ mã cổ phiếu hay trái phiếu này, thì liệu bây giờ bạn có sẵn sàng mua chúng?” Nếu câu trả lời là không, thì hãy bán ra. Và nếu câu hỏi là có thì tiếp tục nắm giữ. Nó chỉ đơn giản vậy thôi.
Ông chủ của Blackstone luôn cho rằng các thiên tài đầu tư luôn phải có hai tài sản quan trọng cần phải bảo vệ. Đó là vốn và niềm tin. Giao dịch mà khiến bản thân lo lắng, mất ngủ, đó không phải là giao dịch. Nó sẽ bào mòn sức khỏe và niềm tin. Còn tiền là còn hy vọng – đừng bao giờ để thua lỗ quá nặng nề khiến ta không còn cơ hội quay lại thị trường.