(ĐTCK) Các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối năm 2019 đều đạt kỷ lục lợi nhuận và tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức hai con số trong năm 2020.
Ðề cập đến một số chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm 2020, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, tổng tài sản dự tính tăng khoảng 12%, huy động vốn từ nền kinh tế tăng khoảng 12%, tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khoàng 14%, tỷ lệ nợ xấu dưới 0,8%, lợi nhuận trước thuế tăng 15% (lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 23.175 tỷ đồng).
Chủ tịch HÐQT BIDV Phan Ðức Tú cho biết, năm 2020 là năm hoàn thành Ðề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42 của Quốc hội và Quyết định 1058/QÐ-TTg của Chính phủ, năm đầu thực hiện chiến lược phát triển đến 2025 và tầm nhìn đến 2030, BIDV xác định các mục tiêu kinh doanh chủ yếu: Huy động vốn tăng trưởng 14,5%; tín dụng tăng trưởng theo chỉ đạo của NHNN khoảng 13%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 12.600 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 1,6%…
Còn Tổng giám đốc VietinBank Trần Minh Bình thông tin, trong năm nay, Ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản từ 6-8%; tín dụng tăng trưởng 8-10%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%…
Lợi nhuận trước thuế tăng 10% trở lên so với năm 2019 (lợi nhuận riêng lẻ năm 2019 đạt gần 11.500 tỷ đồng).
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, không phải ngẫu nhiên các “ông lớn” ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức hai con số, nhất là khi nền tảng của kinh tế năm 2019 được dự báo hỗ trợ sự ổn định trong năm 2020.
Theo đó, ước tính mức tăng thêm cung tiền trong năm 2020 vào khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng khoảng 13%.
Thực tế, xu hướng đẩy mạnh cung tiền vào hệ thống (trung bình khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm) được duy trì từ năm 2016 song song với việc mua ngoại tệ nhằm bổ sung dự trữ ngoại hối.
Trong năm 2019, hoạt động mua ngoại hối đã giúp điều tiết thị trường này, giảm áp lực tăng giá của VND, đặc biệt trong bối cảnh đa số ngân hàng trung ương có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ.
“Trong năm 2020, chúng tôi đánh giá khả năng cao NHNN tiếp tục mua dự trữ ngoại hối với mức khoảng 10-12 tỷ USD do dư địa được mở rộng thông qua quy mô GDP năm 2020 dự kiến sẽ tăng khoảng 25% (theo cách tính mới).
Ngoài ra, nhu cầu vay để trả nợ đến hạn của Chính phủ trong 2020 ước tính là 242.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2019, nên áp lực phát hành trái phiếu chính phủ là tương đối lớn. Việc điều chỉnh GDP sẽ tạo điều kiện để Chính phủ nới rộng các khoản vay nợ”, ông Nguyễn Xuân Bình – Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định.
Tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 được dự báo ở mức 14%, tương đương với mục tiêu Chính phủ đặt ra, nhằm vừa đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô, vừa có thể kích thích tăng trưởng.
Ðáng chú ý, chỉ số tín dụng/GDP của Việt Nam sau khi điều chỉnh GDP vào khoảng 110% (so với mức cũ là trên 130% vốn nhận được nhiều cảnh báo của các tổ chức tài chính trên thế giới), tuy chưa lành mạnh, nhưng đã phần nào giảm tải áp lực về lộ trình giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng của NHNN.
Cùng với đó, hạn mức tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng sẽ tiếp tục theo chỉ định của NHNN với lợi thế lớn dành cho các ngân hàng đã đạt chuẩn Basel II.
Về mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, xu hướng giảm nhẹ sẽ xuyên suốt cả năm 2020 bởi chịu tác động của sự điều chỉnh lãi suất điều hành trong giai đoạn tháng 9, 10 và 11/2019.
Ngoài ra, dư địa để NHNN có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành trong năm nay còn khá nhiều khi lãi suất thực (đã trừ lạm phát) vẫn ở mức tương đối trong khu vực.
“Nếu lạm phát được kiểm soát tốt, khả năng cao NHNN sẽ giảm lãi suất điều hành thêm 25 điểm phần trăm trong nửa đầu năm 2020 nhằm kích thích tăng trưởng. Kịch bản của VND trong năm 2020 sẽ là đi ngang với áp lực tăng giá dành cho NHNN nhằm bảo vệ xuất khẩu.
Tuy nhiên, dư địa cho các biện pháp của NHNN tác động vào tỷ giá nhằm hỗ trợ xuất khẩu là không nhiều khi rủi ro bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ”, chuyên gia KBSV nhận định.