Công ty nhân sự Adeco vừa công bố kết quả khảo sát “Hạnh phúc khi đi làm” với sự tham gia của gần 700 lao động trên cả 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh. Khảo sát tập trung vào mức độ hạnh phúc và những yếu tố tác động tích cực đến trải nghiệm làm việc của người lao động Việt Nam.
Kết quả cho thấy mức độ hạnh phúc của người lao động (74,75%) có mối liên hệ mật thiết với cảm giác được coi trọng tại nơi làm việc (74,7%).
Tuy nhiên, mức độ hạnh phúc giữa các ngành không hề đồng đều. Khi được yêu cầu đánh giá trên thang điểm 5, người lao động thuộc lĩnh vực Chăm sóc khách hàng cho số điểm thấp nhất (1,65/5), theo sát là ngành Tài chính (1,8/5) và khối Quản trị văn phòng (2,5/5). Trái ngược với con số này, nhóm lao động ngành Tiếp thị/Sáng tạo đánh giá rất cao độ hạnh phúc khi đi làm, với số điểm trung bình là 3,9/5, theo sau là ngành Nhân sự (3,2/5) và Công nghệ thông tin (3/5).
Lý giải điều này, bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc văn phòng TP. Hồ Chí Minh, Adecco Việt Nam cho biết, phần lớn cảm xúc người lao động tiếp xúc hằng ngày sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến họ, điển hình là ngành Chăm sóc khách hàng, với công việc là giải quyết thắc mắc và khiếu nại, cảm giác chán nản và bức bối là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, được làm việc đúng đam mê và có tính sáng tạo tác động rất tích cực đến người lao động, khi não bộ liên tục tiếp xúc và thử thách với đề bài mới mỗi ngày.
Dù vậy, mức độ hạnh phúc không chắc chắn đảm bảo sự trung thành của người lao động. Khi được hỏi về khả năng ‘nhảy’ việc, 47,6% người tham gia cho biết chắc chắn sẽ thay đổi công việc trong năm 2019. Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc văn phòng Hà Nội, Adecco Việt Nam cho biết, nhân tài sẽ nhanh chóng đi đến quyết định thay đổi công việc khi cảm thấy không thể phát triển thêm hoặc nhận được lời đề nghị tốt hơn. Điều này sẽ rất dễ xảy ra với khối nhân tài có ít hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc – khi nhu cầu phát triển bản thân và tìm kiếm cơ hội mới được đẩy mạnh.
Khảo sát cũng cho thấy mức độ hạnh phúc của người lao động được quyết định chủ yếu dựa trên những yếu tố không liên quan đến tài chính, với nhân tố hàng đầu là đồng nghiệp cởi mở trong cách suy nghĩ/làm việc, theo sau là chương trình đào tạo tốt, có người hướng dẫn và được làm công việc có ý nghĩa. Bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh cho biết, người lao động sẽ gắn bó lâu dài với công ty khi cảm thấy được coi trọng, và được đầu tư về mặt chuyên môn, qua đó giúp công ty tránh tình trạng ‘chảy máu’ nhân tài và tiết kiệm chi phí tuyển dụng/đào tạo người mới.
Thưc tế, khi được hỏi về tần suất được khen ngợi vởi sếp trực tiếp, 25,25% cho biết được nhận xét tốt hằng tháng, trong khi 20,8% cho biết là không bao giờ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ thỏa mãn trong công việc. Một yếu tốt khác cũng rất quan trọng trong quyết định ở đi hay ở của người lao động, là khả năng phát triển chuyên môn, với 58,3% người lao động cho biết có thể phát triển tối đa tại nơi làm việc hiện tại, và 41,7% cho biết vẫn chưa tìm được công ty phù hợp nhất với bản thân.
Theo Adeco, với xu hướng phát triển và nhu cầu nhân tài chất lượng cao ngày càng gia tăng tại Việt Nam, công ty cần tìm hiểu kỹ về những yếu tốt tác động đến trải nghiệm đi làm của người lao động. Điều này sẽ không chỉ tác động tích cực đến kế hoạch giữ chân và phát triển nhân tài của doanh nghiệp, mà còn giúp người sử dụng lao động dễ dàng thu hút thêm nhân tài với mở rộng mối quan hệ qua chính nhân viên của mình.