Theo Hiệp hội Mía – Đường Việt Nam (VSSA) cho biết, trong bối cảnh niên vụ 2019 – 2020, ngành sản xuất mía đường được dự báo vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Giá đường liên tục sụt giảm, khó tiêu thụ, áp lực cạnh tranh với đường ngoại, đường nhập lậu tăng mạnh… khiến người trồng mía và cả DN sản xuất gặp nhiều khó khăn. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên vụ 2018/2019 là năm thứ 3 liên tiếp ngành mía đường chịu tác động tiêu cực của khí hậu thời tiết, giá cả, thị trường. Nhiều nhà máy kinh doanh giảm sút, thua lỗ kéo dài từ nhiều vụ trước…
Bắt đầu từ việc ảnh hưởng của thiên tai năm 2017, hàng loạt diện tích mía của nông dân bị ngã đổ, dẫn đến năng suất đạt thấp. Niên vụ 2017 – 2018, sản lượng mía giảm đến 20 – 30%. Tiếp đến, liên tục từ đó đến nay, giá đường thị trường biến động giảm, dẫn đến giá thu mua mía nguyên liệu của các nhà máy giảm theo. Từ 1,1 – 1,2 triệu đồng tấn mía trong niên vụ 2016 – 2017, đến niên vụ 2018 – 2019 chỉ còn 800 – 900 ngàn đồng mỗi tấn. Khiến nông dân trồng mía thiệt đơn thiệt kép…
So với cùng kỳ năm 2018, quý II/2019, sản lượng đường tăng mạnh từ 8,100 tấn lên 24,800 tấn nhưng giá bán lại giảm từ 12,400đ xuống còn 10,000đ
Không những người trồng mía gặp khó, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực mía đường cũng rơi vào cảnh thua lỗ kéo dài. Theo VSSA, sản lượng mía niên vụ 2018-2019 chỉ khoảng 14 triệu tấn, sản lượng đường đạt khoảng 1,3 triệu tấn, giảm so với niên vụ trước và chỉ tương đương niên vụ 2015-2016 và 2016-2017. Hiện nhiều nhà máy đối mặt với nhiều thách thức, có nguy cơ bị thua lỗ nặng, có thể dẫn đến đóng cửa do liên tục trong 3 vụ kinh doanh, tiêu thụ khó khăn và giá đường thấp. Ngành mía đường tiếp tục đối diện với khó khăn khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ đầu năm 2020 (thuế nhập khẩu đường trong khu vực về 0%).
Về nhu cầu, ngành mía đường Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều bởi làn sóng nhập khẩu ồ ạt đường lỏng (HFCS) từ Hàn Quốc, Trung Quốc để thay thế đường kính. Việt Nam lại chưa áp thuế hay áp hạn ngạch nhập khẩu đối với loại đường được xem là có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Ngoài ra, ngành mía đường Việt Nam sẽ tiếp tục chịu áp lực về giá sau khi hội nhập ATIGA. Ví dụ, giá đường Thái Lan vào Việt Nam hiện chỉ là 9.000 đồng/kg, trong khi mặt bằng giá đường trong nước là hơn 11.000 đồng/kg. Theo cam kết ATIGA, Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường đối với các nước ASEAN kể từ ngày 1/1/2018. Nhưng để các doanh nghiệp mía đường và người nông dân có thêm thời gian thích ứng, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ cho hoãn thực thi cam kết ATIGA thêm 2 năm. Điều này có nghĩa là từ ngày 1/1/2020, hạn ngạch nhập khẩu mía đường từ ASEAN chính thức được xóa bỏ và mức thuế suất nhập khẩu đường vào Việt Nam sẽ là 0%.