Theo thống kê từ 25 ngân hàng đã công bố BCTC quý 2/2019, đến cuối tháng 6, tổng tiền gửi của khách hàng tại những ngân hàng này đạt hơn 5,59 triệu tỷ đồng, tăng 7,17% so với đầu năm.
Trong đó, quy mô tiền gửi khách hàng tại 3 “ông lớn” tiếp tục phình to lên gần 2,78 triệu tỷ đồng, chiếm 50% trên tổng huy động của 25 ngân hàng. Ước tính, lượng tiền gửi này cũng chiếm hơn 30% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống TCTD.
BIDV vẫn là ngân hàng dẫn đầu về tiền gửi khách hàng trong các ngân hàng cổ phần, đạt 1,06 triệu tỷ đồng, tăng 7,09% so với hồi đầu năm.
Trong khi đó, Vietcombank cũng tăng mạnh 8,60% lên hơn 870 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, Vietcombank đã vượt VietinBank về số tiền gửi của khách hàng sau 6 tháng đầu năm 2019. Huy động vốn của VietinBank 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,55% lên gần 847 nghìn tỷ đồng. Do chưa tăng được vốn nên tăng trưởng tín dụng của VietinBank buộc phải chậm lại và đó có thể là lý do ngân hàng này phải kìm hãm tăng tiền gửi.
Ngoại trừ VietinBank, hầu hết các ngân hàng lớn đều có tăng trưởng huy động tiền gửi khách hàng ở mức cao hơn so với mặt bằng chung. Chẳng hạn SCB, ngân hàng tư nhân có quy mô tiền gửi cao thứ 4 tăng 8,94% trong 6 tháng đầu năm lên hơn 419 nghìn tỷ đồng. Sacombank tăng tới 11,12%, Techcombank tăng 9,36%…Cao nhất là ở VIB với mức tăng 16,84% lên 99.158 tỷ đồng, VPBank tăng 15,52% lên 197 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, ở chiều đối lập, phần lớn các ngân hàng quy mô nhỏ có tăng trưởng huy động tiền gửi rất chậm. Thậm chí có những ngân hàng tăng trưởng âm như ABBank (giảm 3,89%), PGBank (giảm 7,82%), Saigonbank (giảm 0,61%),…
Tại VietCapitalbank, mặc dù lãi suất huy động luôn thuộc hàng top nhưng tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 2,34% lên hơn 34.000 tỷ trong nửa đầu năm 2019. Huy động tiền gửi của Kienlongbank chỉ tăng 5,32% lên 30.759 tỷ đồng.
Trong nhóm ngân hàng nhỏ, chỉ có NCB tăng trên 10%. Cụ thể, tiền gửi khách hàng tại nhà băng này tăng 14,39% lên gần 54.000 tỷ đồng.