Thực tế trong quá trình đầu tư, nhà đầu tư thường hay gặp phải trường hợp vừa cắt lỗ thì cổ phiếu tăng giá trở lại. Điều này có thật sự gây ra sự khó chịu như đại đa số chúng ta vẫn nghĩ hay không?
Thế nào là cắt ngay “đáy”?
Một thực tế mà chúng ta đều nên thừa nhận với nhau, khi một cổ phiếu giảm giá nhanh và mạnh, vượt khỏi tầm kiểm soát thì rất nhiều khả năng cổ phiếu đang có gì đó không ổn. Đây là một dấu hiệu cho thấy cần phải bán cổ phiếu ra ngay.
Để trở thành một nhà đầu tư thành công bạn phải học được cách đưa ra quyết định. Và giây phút khi chứng kiến khoản lỗ đã hơn 10%, bạn phải quyết định giữa hai sự lựa chọn: 1 là giới hạn khoản lỗ, 2 là khoản lỗ không biết điểm dừng.
Có rất nhiều nhà đầu tư chia sẻ rằng, họ cũng không hiểu lý do vì sao mỗi khi họ quyết định cắt bỏ những cổ phiếu đang thua lỗ 10-20% thì giá cổ phiếu lại tăng. Và thông thường, họ sẽ không mấy vui vẻ mà cho rằng may mắn không mỉm cười với quá trình đầu tư của họ.
Đây không những là chuyện rất phổ biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam mà rất nhiều những nhà đầu tư trên thế giới cũng gặp phải những trường hợp tương tự như thế.
Có phải, chúng ta đều sẽ rất vui, và có cảm giác chốt lời ngay đỉnh khi cổ phiếu chúng ta vừa bán chốt lời giảm giá. Và ở trường hợp ngược lại, tâm lý khó chịu, bực tức sẽ bao trùm nếu như chúng ta vừa cắt bỏ khoản lỗ 10-20% thì giá cổ phiếu lại bật tăng trở lại?
Khi lâm vào trường hợp đó, nhà đầu tư sẽ rất bực mình, nhưng điều đó không ủng hộ cho việc nhà đầu tư vội vàng kết luật rằng mình đã sai lầm khi bán cổ phiếu đó đúng vào lúc nó sắp tăng giá. Bởi chúng ta hoàn toàn không biết “đáy” của cổ phiếu ở đâu, cho tới khi nó bật tăng trở lại!
Bảo hiểm của quá trình đầu tư
Trong cuộc sống, để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, chúng ta thường mua bảo hiểm cho bản thân mình. Một ví dụ đơn giản đó là bảo hiểm tai nạn, loại bảo hiểm mà bạn sẽ được bồi thường trong những trường hợp tai nạn xảy ra. Nhưng bạn có mong muốn được nhận những khoản bồi thường đó hay không? Việc không nhận được tiền bồi thường, có phải là một sự lãng phí? Năm sau bạn có tiếp tục mua bảo hiểm nữa hay không?
Trong đầu tư chứng khoán, nếu bạn tư duy việc giới hạn khoản lỗ là một cách mua bảo hiểm cho danh mục của mình, thì sẽ chẳng có cái gọi là “cắt đúng đáy”. Nếu trong thời khắc quyết định, bạn chần chừ thì khoản lỗ có thể lên tới 20-30%. Nếu thua lỗ 20% danh mục, bạn cần mức sinh lời tối thiểu 25% chỉ để hòa vốn. Nếu khoản lỗ lên tới 30% thì mức sinh lời cần thiết để hòa vốn là 43% và vì sự chần chừ mà danh mục bạn âm tới 50% thì phải cần tới mức sinh lời 100% chỉ để hòa vốn.
Nhà đầu tư chần chừ quyết định nắm giữ cổ phiếu, không có gì đảm bảo giá cổ phiếu sẽ tăng. Nhưng cái giá của sự chần chừ đã được chứng minh bằng những con số toán học. Chính vì thế, hãy mua bảo hiểm cho danh mục của mình, bằng cách giới hạn những khoản lỗ đúng lúc, và con số 7-8% là con số mà những nhà đầu tư thông minh lựa chọn.
Đừng để bị thị trường “bào”
Có một bộ phận nhà đầu tư tham gia vào thị trường, không những không thu được lợi nhuận, mà còn bị tàn phá sức khỏe một cách nghiêm trọng. Cảm giác mình đã đi quá giới hạn, không thể quay đầu khi đã để khoản lỗ lên tới 30-40%. Bán ra thì đã quá muộn, mà giữ lại thì càng ngày càng âm vốn. Thực tế này đã làm không ít nhà đầu tư phải đau đầu.
Sức khỏe và sự thanh thản của bạn quan trọng hơn bất kỳ cổ phiếu nào. Những khoản thua lỗ nhỏ mà nhà đầu tư đã giới hạn, hãy coi đó như một khoản phí nhà đầu tư bỏ ra để mua bảo hiểm cho danh mục của mình. Trong những thời khắc quyết định, mục tiêu sống còn vẫn là giới hạn những khoản thua lỗ ở con số nhỏ, và đảm bảo nguồn vốn để tìm kiếm sự thành công ở một cổ phiếu khác ngay khi có cơ hội.