Hành trình gập ghềnh của Ông chủ Shin Coffee khi đến với Café Việt

0
861

Năm Năm thai nghén

– Anh dành ra 5 năm thai nghén ý tưởng, chuẩn bị, học hỏi kiến thức về cà phê và bây giờ dồn hết vốn liếng tích cóp trong thời gian làm việc tại Nhật để mở Shin Coffee. Phải chăng anh rút kinh nghiệm từ những lần khởi nghiệp thất bại trước đó và đi từng bước thận trọng để tránh khỏi vết xe đổ?

Tôi đã từng khởi nghiệp và thất bại không chỉ một lần, lần nào cũng gắn với cà phê. Tôi có duyên với cây cà phê có lẽ ngay từ lúc phải bỏ học, xa nhà đi theo người cô làm rẫy cà phê để phụ mẹ nuôi hai đứa em ăn học. Tôi cứ lăn lóc như thế, trải qua quá nhiều nghề lẫn những biến cố khi còn đang ở tuổi mới lớn.

Năm 2000, tôi có tham vọng làm giàu và quyết tâm hùn vốn với một người bạn rang xay và đi bỏ mối cà phê. Thất bại là tất yếu, vì chúng tôi có quá ít kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu cũng như tất cả các kỹ năng cần thiết để làm kinh doanh. Rồi tôi vào đại học, vẫn tranh thủ làm thêm phiên dịch tiếng Nhật để kiếm sống và tích lũy, may là tôi kiếm cũng khá, thậm chí còn mua được một căn nhà nhỏ.

Năm 2009, tôi lại nung nấu ý định khởi nghiệp, lần này là mở quán cà phê mang tên Bonsai. Khách hàng rất thích ý tưởng vừa uống cà phê vừa được ngắm những tác phẩm bonsai, nhưng tôi đã sớm nhượng lại quán cà phê đầu tiên này vì mặt bằng quán nhỏ, khó có tiềm năng phát triển.

Ngay sau đó, tôi cùng một người bạn mở quán mới, vẫn lấy cảm hứng từ bonsai, nhưng với quy mô lớn hơn và ở địa điểm khác. Nhưng rồi quán cũng không trụ được. Lý do là vì có quá nhiều khác biệt trong cách làm việc của hai đồng sáng lập, rất khó giải quyết bởi mối quan hệ bạn bè xen vào. Tôi mất dần động lực, công việc kinh doanh xuống dốc. Hệ quả của những lần khởi nghiệp ấy là tôi trắng tay, mất cả căn nhà phải rất vất vả mới mua được.

– Một số bạn trẻ khi gặp thất bại trong lần khởi nghiệp đầu tiên thường nản chí, buông xuôi. Lựa chọn của anh trong thời điểm khó khăn đó là gì?

Khi ấy, tôi không còn cách nào khác là phải lao vào kiếm tiền và lựa chọn tốt nhất đối với tôi có lẽ là “xuất khẩu lao động”. Đó là thời điểm năm 2010. Với vốn tiếng Nhật khá tốt và nhờ có sự động viên của cha nuôi người Nhật, tôi quyết định nộp đơn xin việc ở Nhật Bản rồi sang Nhật làm việc.

Công việc thực sự chẳng có gì thú vị, tôi lao vào làm chỉ đơn thuần là để có thu nhập. Nhưng chính trong thời gian làm việc tại đất nước này, tôi được tiếp cận với văn hóa và những chủng loại cà phê cao cấp hàng đầu. Thế là trong tôi bắt đầu nhen nhóm ý tưởng cho lần khởi nghiệp tiếp theo, và lần này phải mất tới 5 năm chuẩn bị.

Shin Coffee và ước mơ lớn với hạt Café Việt

Bốn năm sống và làm việc ở Nhật Bản đã giúp anh học hỏi về café và tích lũy được một số vốn. Cuối năm 2015 anh quay trở về Việt Nam và lập nghiệp lần thứ 3 lần này với thương hiệu hoàn toàn mới Shin Ca Phê. Sau 2 lần thất bại trước anh đã rút được rất nhiều kinh nghiêm. Tham gia và ngành café giúp Long hiểu được ưu nhược điểm của café trong nước. Điển hình như việc người ta cho vào cà phê rất nhiều hoá chất, ngô (bắp), bơ và đậu nành để cà phê khi rang có mùi thơm và đánh lừa vị giác của người dùng. Theo người sáng lập Shin Cà Phê, cuộc chiến với các loại cà phê tẩm, trộn chất lượng thấp chiếm đa số trên thị trường luôn diễn ra gay gắt nhưng Shin quyết tâm phải thay đổi thói quen uống cà phê của đa số người dân bằng loại cà phê rang xay chất lượng cao.

Sau một thời gian tập trung phát triển Shin Cà Phê, hiện nay vùng nguyên liệu trồng cà phê mà Công ty Shin Cà Phê đang kiểm soát có diện tích khoảng hơn 1.000 ha đối với loại hạt Robusta tại Gia Lai và khoảng 100 ha hạt Arabica tại vùng Cầu Đất, tỉnh Lâm Đồng. Với cơ cấu cung cấp cà phê ra thị trường của Shin hiện nay thì tỉ lệ Robusta chiếm hơn 80% tổng sản lượng với khoảng 500 tấn/năm, còn lại là Arabica. 

“Chúng tôi cố gắng mang đến cho khách hàng trong nước các mẫu cà phê được kiểm soát tốt nhất, nhưng tạm thời chưa tập trung cho xuất khẩu vì chưa có đủ sản lượng và chất lượng như mong muốn”, nhà sáng lập Shin Cà Phê thừa nhận.

Mỗi giống cà phê, mỗi vùng sản xuất cà phê trên thế giới đều sản xuất ra một mẫu có hương vị đặc biệt riêng. Dòng cà phê Cầu Đất – Đà Lạt của Việt Nam cũng vậy, chúng ta có thể sản xuất được loại cà phê ngang ngửa với các nước trên thế giới như Indonesia chẳng hạn. Điều Việt Nam cần quan tâm là làm sao để quảng bá tốt sản phẩm của mình đến người tiêu dùng và làm sao để sản xuất nhiều hơn nữa sản lượng để đủ phân phối cho thị trường.

Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam, chúng ta nắm trong tay rất nhiều cơ hội để phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao để bán cho thế giới và thị trường trong nước với giá trị gia tăng cao nhưng chúng ta thiếu định hướng chiến lược phát triển. Ngay cả việc Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil cũng không đồng nghĩa với việc nước ta nắm được lợi thế trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu. Lý do chính là cà phê xuất khẩu của nước ta chủ yếu là loại Robusta có chất lượng trung bình.

Một vấn đề lớn khác là đất nông nghiệp thuộc sở hữu của cá nhân quá nhiều, trung bình mỗi người dân ở vùng trồng cà phê có 1-2 ha cà phê, dẫn đến việc không thể kiểm soát chất lượng trồng trọt, thu hái, sơ chế và định vị sản phẩm để làm thị trường.

Nguyễn Hữu Long cho rằng, ngành cà phê Việt Nam còn manh mún từ vấn đề sở hữu nguồn nguyên liệu cho đến khâu thu mua, kiểm soát sau thu mua và định vị chất lượng dẫn đến không có thương hiệu và cuối cùng giá cả “xứng đáng” với những gì chúng ta vận hành ngành này. Theo Long, để giải quyết vấn đề này Việt Nam phải đi từng bước một. Đầu tiên, phải kiểm soát được vùng nguyên liệu, thay vì sở hữu cá nhân thì nước ta nên hoạt động theo cơ chế hợp tác xã, đồn điền để kiểm soát quy trình nuôi trồng, thu hái và tập trung xây dựng cơ sở sơ chế với máy móc thiệt bị đầy đủ, phòng nghiên cứu để tiến hành nghiên cứu và phát triển (R&D), định vị chất lượng sản phẩm và có kế hoạch PR ra thế giới để bán với giá cao.

– Làm thế nào anh có thể vừa quản lý và phát triển Shin Coffee, vừa thực hiện những dự án bên ngoài? Anh đào tạo nhân viên như thế nào?

Như tôi đã chia sẻ ở trên, quãng thời gian 5 năm ở Nhật và tính cách của người cha nuôi có ảnh hưởng rất nhiều tới cách tôi điều hành Shin Coffee. Tôi luôn phân định rõ lúc nào thì phải làm việc gì.

Mỗi ngày tôi ngủ 5 tiếng đồng hồ, dành cho Shin 5 tiếng, còn lại là các công việc khác. Khi tuyển dụng nhân viên tôi quán triệt với các em rõ ràng: phải thực sự đam mê cà phê và có ý thức tự giác trong công việc.

Tôi sẵn lòng đào tạo và tạo điều kiện để nhân viên phát triển, nhưng các em phải có trách nhiệm với công việc, luôn đúng giờ, đặt khách hàng và hiệu quả làm việc lên trên hết. Sáng nào tôi cũng họp nhân viên 10 phút để cập nhật và giải quyết tất cả các vướng mắc. Hiện nay, Shin mới chỉ có 4 nhân viên, gồm 2 thợ pha chế, 1 phục vụ bàn, 1 bảo vệ, nhưng làm việc rất hiệu quả.

Nguyễn Hữu Long là 1 trong 2 người Việt Nam đầu tiên được cấp chứng nhận quản lý chất lượng QGrader của Mỹ, và được xem là một chuyên gia cà phê tầm cơ quốc tế. Anh cũng là thành viên SCAJ, một tổ chức chuyên về cà phê ở Nhật Bản và được SCAJ cấp giấy chứng nhận Coffee Meister-người được đâò tạo chuyên sâu về cà phê.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here