Giá dầu thế giới giảm khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ ba, khi có những dấu hiệu cho thấy Saudi Arabia đang nhanh chóng khôi phục sản lượng dầu bị mất trong vụ tân công gần đây. Nỗi lo về cầu tiêu thụ dầu toàn cầu suy yếu cũng gây sức ép giảm giá lên “vàng đen”.
Theo trang MarketWatch, áp lực giảm giá đối với dầu phiên này còn có tuyên bố mềm mỏng của Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Nhà lãnh đạo nói ông sẵn sàng đàm phán để đi đến những thay đổi nhỏ trong thỏa thuận hạt nhân 2015 nếu Mỹ dỡ lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước này.
“Những phát biểu có phần mềm mỏng của ông Rouhani cho thấy Iran có thể sẽ là bên phải nhượng bộ trước”, nhà phân tích Edwar Moya thuộc Oanda nhận xét. “Các biện pháp trừng phạt đang siết nền kinh tế Iran và nước này đang bị cáo buộc đứng sau vụ tấn công nhằm vào Saudi Arabia”.
“Nếu Iran tiếp tục để mất sự ủng hộ của châu Âu, họ có thể phải lựa chọn giữa một bên là tiếp tục leo thang căng thẳng, và một bên là chấp nhận nhượng bộ ông Trump và chịu thay đổi một số điểm trong thỏa thuận hạt nhân 2015”, ông Moya nói.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 11 tại thị trường New York giảm 1,35 USD/thùng, tương đương giảm 2,3%, còn 57,29 USD/thùng. Giá dầu Brent tại thị trường London giảm 1,67 USD/thùng, tương đương giảm 2,6%, còn 63,1 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của cả dầu WTI và Brent kể từ hôm 13/9, theo dữ liệu của Dow Jones Market Data.
Giá dầu chạm đáy của phiên vào lúc Tổng thống Donald Trump có bài phát biểu tại Liên hiệp quốc. Trong bài phát biểu này, ông Trump gia tăng sức ép lên Trung Quốc giữa lúc Washington và Bắc Kinh đang tìm kiếm một thỏa thuận nhằm kết thúc thương chiến. Ông cũng nói tất cả mọi quốc gia có nghĩa vụ phải hành động trong vấn đề Iran.
Giới đầu tư đang đón nhận những thông tin và đánh giá trái chiều về tiến bộ của Saudi Arabia trong việc khôi phục sản lượng dầu bị mất trong vụ tấn công cơ sở dầu lửa hôm 14/9. Vụ tấn công đó đã khiến Saudi Arabia mất 5,7 triệu thùng trong sản lượng khai thác dầu hàng ngày.
Hôm thứ Hai, hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin nói rằng Saudi Arabia đã khôi phục được hơn 75% phần sản lượng mất mát nói trên và có thể trở lại mức sản lượng bình thường vào đầu tuần tới. Trong khi đó, cũng hôm thứ Hai, tờ Wall Street Journal nói Saudi Arabia có thể mất nhiều tháng mới có thể khôi phục đầy đủ sản lượng.
Một số nhà phân tích cho rằng thông tin Saudi Arabia nhanh chóng khôi phục sản lượng có thể vấp phải sự nghi ngờ của thị trường, xét đến việc hãng dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco đang chuẩn bị cho vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Nếu sản lượng dầu của Saudi Arabia phục hồi chậm chạp, đây sẽ là một nhân tố đẩy giá dầu lên. Tuy nhiên, giá năng lượng này cũng đang chịu sức ép giảm từ những số liệu kinh tế gây thất vọng gần đây của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc – theo nhà phân tích thị trường năng lượng Marshall Steeves của IHS Markit.
Nhiều nhà dự báo nói rằng thương chiến Mỹ-Trung kéo dài có thể gây suy thoái kinh tế toàn cầu, kéo nhu cầu tiêu thụ dầu giảm theo.
Từ đầu năm đến nay, nỗi lo nhu cầu yếu đi luôn là nhân tố gây sức ép giảm giá dầu, nhưng ngược lại giá dầu cũng được hỗ trợ bởi nỗ lực hạn chế sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga, cũng như căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.