Tính tới thời điểm 30/06/2019, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân – Fortex (FTM) có khoản nợ phải trả chiếm 1.177 tỷ đồng, chiếm 68% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp, trong đó dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn chiếm tổng cộng 719,7 tỷ đồng
Với khoản nợ vay này, trong 6 tháng đầu năm, FTM phải gánh 32,8 tỷ đồng chi phí lãi vay, gấp hơn 3 lần lợi nhuận gộp thu được trong kỳ. Đây cũng là nguyên nhân chính FTM lỗ ròng 31 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019.
Trước đó, FTM cho biết kết quả kinh doanh của công ty sụt giảm đáng kể và có mức lợi nhuận âm là do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc căng thẳng trong thời gian qua. Đáng nói, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại vẫn còn kéo dài và với gánh nặng chi phí lãi vay như hiện nay khó có thể đảm bảo được dòng tiền của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ở khoản vay ngắn hạn, công ty đang vay hơn 317 tỷ đồng từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và hơn 28,9 tỷ từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Công ty còn vay dài hạn 107 tỷ đồng, toàn bộ đều vay từ BIDV chi nhánh Thái Bình và chi nhánh Bắc Hà Nội, bằng cả VND và USD.
Ngoài ra, thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy công ty có khoản vay dài hạn tới 266,4 tỷ đồng kế thừa từ Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Cường. Bao gồm hơn 22 tỷ vay từ BIDV và 244,2 tỷ vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
FTM đã kế thừa toàn bộ các khoản vay bao gồm cả gốc lẫn lãi tương ứng với các tài sản nhận góp vốn từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Cường từ năm 2015. Theo biên bản góp vốn năm đó, Đại Cường đã góp vốn vào FTM bằng giá trị tài sản thuần gồm tài sản cố định hữu hình với tổng giá trị góp vốn là 704,4 tỷ và các khoản vay tài trợ tài sản cố định góp vốn với tổng số dư tại ngày góp vốn là 424,4 tỷ.
Hơn 58% tài sản hiện tại của FTM đang nằm tại các khoản phải thu và hàng tồn kho. Hàng tồn kho tính đến cuối quý 2/2019 ở mức 367,6 tỷ đồng, tăng 152% so với hồi đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 640,7 tỷ đồng. Công ty không có khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi cũng như dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Liên quan tới Tập đoàn Đại Cường, hiện FTM còn khoản 58,3 tỷ đồng khoản phải thu về cho vay ngắn hạn và 34 tỷ đồng phải thu về cho vay dài hạn từ Đại Cường. Khoản tiền mà FTM cho vay Đại Cường tính từ năm 2017 đến nay, xé lẻ ra nhiều khoản cho vay nhỏ lẻ qua 9 lần cho vay và tất cả đều không có tài sản đảm bảo, lãi suất vay vốn cố định ở 9%/năm.
Tập đoàn Đại Cường có mối quan hệ chặt chẽ với FTM thông qua ông Lê Mạnh Thường – cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị FTM. Ông Lê Mạnh Thường là người sáng lập Tập đoàn Đại Cường, từng giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Đại Cường cho đến năm 2017.
Một công ty khác liên quan đến Đại Cường cũng đang có khoản vay FTM. Cụ thể, Công ty Cổ phần Bất động sản New City (trước là Công ty TNHH Bất động sản New City – thành viên của Tập đoàn Đại Cường và do ông Lê Mạnh Thường là Chủ tịch Hội đồng quản trị) đang có khoản vay ngắn hạn và dài hạn phải trả cho FTM với giá trị 11,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, FTM cũng còn 50 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác đối với New City, khoản phải thu này mới phát sinh trong 6 tháng đầu năm nay. FTM cũng có khoản thu ngắn hạn khác tới 115 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Bất động sản Đại Cường. Được biết đây là khoản phải thu theo hợp đồng hợp tác khi đầu tư vào Dự án Khu thương mại dịch vụ căn hộ và văn phòng cho thuê tại 55 Trần Nhật Duật, phường Tân Định, quận 1, Tp.HCM và Dự án xây dựng nhà ở tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Hiện ông Lê Mạnh Thường đang là người đại diện theo pháp luật tại Cổ phần Bất động sản Đại Cường. Ông Thường đã lấy số cổ phiếu tại FTM đi đảm bảo cho khoản đầu tư 115 tỷ đồng nói trên của Bất động sản Đại Cường.
Như vậy, ngoài khoản vay nợ đang ôm thay Tập đoàn Đại Cường từ năm 2015, FTM còn 270 tỷ đồng phải thu từ nhóm có liên quan đến Tập đoàn Đại Cường và ông Lê Mạnh Thường.
Dù đã rời khỏi Hội đồng quản trị FTM từ tháng 4/2019 song ông Lê Mạnh Thường hiện vẫn đang nắm 5,1 triệu cổ phiếu FTM và là cổ đông lớn với tỷ lệ nắm giữ trên 10,2%.
Sau 27 phiên sàn liên tiếp, hiện cổ phiếu FTM chỉ còn 3.460 đồng/cổ phiếu. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý đã nắm được thông tin liên quan tới diễn biến cổ phiếu FTM của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân (Fortex). Hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HOSE) và các đơn vị chức năng liên quan đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để xác minh, làm rõ thông tin.