Đi cùng với giảm lãi suất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tiếp bơm hơn 270 tỷ USD chỉ trong một tuần.
Tuần qua, hai động thái của Fed thu hút sự chú ý của thị trường toàn cầu: giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản và liên tiếp bơm tiền khi gần đây các ngân hàng ở Mỹ gặp khó khăn về nguồn để đáp ứng yêu cầu dự trữ bắt buộc.
Trong phiên thứ Sáu, thị trường ghi nhận Fed can thiệp lần thứ tư trong tuần, lên tới 75 tỷ đô la, và tổng lượng bơm ra hơn 270 tỷ USD.
Trước Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng quyết định có một gói nới lỏng định lượng, đưa tiền ra qua kế hoạch mua vào trái phiếu.
Những diễn biến trên là bình thường hay bất thường? Khi với Fed, hoạt động trên được ghi nhận lần đầu tiên sau chục năm qua.
Theo tờ Le Monde của Pháp, đối với một số người, nó có thể là điềm báo của một cơn bão tài chính mới. Nhưng đối với những người khác, đó chỉ là hoạt động kỹ thuật.
Như trên, thứ Sáu, ngày 20/9, lần thứ tư trong tuần qua, đã bơm 75 tỷ USD vào thị trường, bằng các hoạt động được gọi là “repo”, sau khi đã can thiệp vào thứ Ba (53 tỷ), thứ Tư và thứ Năm (75 tỷ trong cả hai trường hợp).
Vào thứ Tư, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, có thông điệp xoa dịu những quan ngại từ thị trường trước hiện tượng thiếu hụt tiền và nhà điều hành đã phải bơm ra can thiệp. Ông Jerome Powell cho rằng đây không phải dấu hiệu về “vấn đề” của nền kinh tế hay lo ngại về chính sách tiền tệ.
“Nhưng các câu hỏi vẫn còn đó”, tờ Le Monde để ngỏ trong bài bình luận cuối tuần qua.
Như trên, sau chục năm, Fed trở lại bơm tiền qua hoạt động “repo”. Vậy “repo” là gì?
Repo là nghiệp vụ phái sinh từ các nghiệp vụ cho vay có đảm bảo (hay nghiệp vụ cho vay cầm cố giấy tờ có giá, cho vay có bảo đảm bằng chứng khoán), được sử dụng khá phổ trên thị trường tài chính các nước.
Hàng ngày, các tổ chức tài chính (chủ yếu là ngân hàng) can thiệp vào các thị trường này để tìm thanh khoản ngắn hạn, thường là hơn hai mươi bốn giờ. Họ vay các khoản tiền này từ các ngân hàng khác và thế chấp lại bằng các chứng khoán an toàn, chẳng hạn như tín phiếu kho bạc. Ngày hôm sau, họ hoàn trả số tiền đã vay với lãi suất và thu hồi chứng khoán của họ.
Các repo này, theo một cách nào đó, như là chất dầu cho phép động cơ của hệ thống tài chính hoạt động tốt. Chúng cho phép các tổ chức tài chính (và thông qua các đơn vị trung gian, cho phép các doanh nghiệp) đáp ứng các nhu cầu huy động nguồn tiền mà không gặp khó khăn nào – ví dụ, để đối phó với khoảng cách vài giờ giữa dòng tiền vào và dòng tiền ra.
Tại Mỹ, các giao dịch này được tài trợ với tỷ lệ gần với lãi suất chính của Fed, dao động trong khoảng 1,75% – 2%.
Trong dòng chảy trên, vào đầu tuần qua, lãi suất repo tăng mạnh. Nguyên do, sự thiếu hụt tiền mặt đột nhiên xuất hiện trên thị trường, buộc Fed phải can thiệp lần đầu tiên sau mười năm. Trong ba lần, Fed đã hỗ trợ các ngân hàng lượng tiền mặt đáng kể, được hoàn trả vào ngày hôm sau, và bảo lãnh lại bằng chứng khoán. Và như trên, lần thứ tư tiếp tục được thực hiện vào thứ Sáu.
Trong điều tiết và can thiệp nguồn tiền trên thị trường, việc bơm – hút của các ngân hàng trung ương là nghiệp vụ bình thường; nó chỉ bất thường khi xét đến bối cảnh và liều lượng, cũng như các yếu tố khác nữa.
Tại Việt Nam, repo cũng là một hoạt động bình thường mà Ngân hàng Nhà nước thường xuyên sử dụng. Điển hình như hoạt động bơm tiền qua kênh cầm cố trên thị trường mở (OMO) với quy mô lớn cuối tháng 8 đầu tháng 9 vừa qua.
Và thông thường, những can thiệp trên như Fed vừa thể hiện, hay tại Việt Nam vừa qua, chủ yếu chỉ mang tính ngắn hạn.