Theo Công ty chứng khoán Bản Việt, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã luôn duy trì trên mức 3 ngàn tỉ USD kể từ tháng 2-2011 cho đến nay, trong khi tỉ lệ dự trữ ngoại hối/tháng nhập khẩu đã giảm dần từ 19,5 tháng xuống 13,4 trong năm năm qua.
Do đó, dường như PBoC không muốn giảm dự trữ ngoại hối xuống dưới ngưỡng tâm lý 3 ngàn tỉ USD khi điều này chưa chắc sẽ giúp hỗ trợ đồng CNY và thay vào đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường.
Tuy nhiên, PBoC có thể tiếp tục phát hành tín phiếu nội tệ ở Hồng Kông (CNH), sẽ giúp làm giảm thanh khoản và chặn giảm đà giảm của đồng tiền này. Việc phát hành 30 tỉ nhân dân tệ tín phiếu ngày 14-8 (lần thứ năm kể từ tháng 11-2018) đã tạm thời giúp đồng CNY phục hồi.
Tuy nhiên, trong kịch bản xấu nhất, nếu Mỹ áp thuế 25% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng CNY có thể trượt giá còn khoảng 8,1 so với đồng USD nhằm bù đắp cho tác động của mức thuế cao hơn.
Kịch bản giảm sâu hơn của đồng CNY có thể ảnh hưởng đến tâm lý trên thị trường ngoại hối Việt Nam và có thể tạo thêm áp lực lên VND. Tuy nhiên, dữ liệu lịch sử cho thấy đồng CNY và VND có mối tương quan khá thấp (ngoại trừ năm 2015). Diễn biến trái chiều của CNY và VND trong 2 tuần qua một lần nữa cho thấy VND phụ thuộc nhiều hơn vào cung cầu trên thị trường, thay vì CNY.
“Việc đồng CNY tiếp tục giảm có thể dẫn đến mức trượt giá sâu hơn của các đồng tiền trong khu vực, khiến hàng hóa Việt Nam có tính cạnh tranh thấp hơn so với hàng hóa từ các quốc gia khác. Do vậy, khả năng đồng VND có thể sẽ phải trượt giá theo. Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng đồng VND sẽ duy trì ổn định trong bối cảnh kỳ vọng dòng vốn nước ngoài tiếp tục ổn định.
Tuy nhiên, việc đồng CNY và các đồng tiền khác trong khu vực tiếp tục trượt giá so với USD có thể khiến đồng VND chịu áp lực. Trong kịch bản tiêu cực cho các các tiền tệ khác, có thể trượt giá trong khoảng 2% trong năm nay”, Bản Việt cho biết.
Điều gì sẽ làm cho Việt Nam đồng ổn định? Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng nguồn cung ngoại tệ dồi dào sẽ chảy vào nhờ các thương vụ mua bán cổ phần ngân hàng cuối năm 2019.
Theo đó, BIDV sẽ bán 15% vốn cho KEB Hana Bank tương đương với khoảng 882 triệu USD, Vietcombank có khả năng bán 6,5% cổ phần, MB dự kiến bán 7,5% vốn cho nước ngoài. Tổng giá trị các thương vụ M&A trong nửa cuối năm nay ước tính khoảng 2 tỉ USD.
Trong khi đó, Bản Việt cho rằng dự trữ ngoại hối gia tăng cải thiện khả năng hỗ trợ đồng VND. Vốn đầu tư nước ngoài dồi dào thời gian gần đây lại tiếp tục giúp NHNN gia tăng dự trữ ngoại hối trong giai đoạn trung tuần tháng 7 và tháng 8.
Dự trữ ngoại hối ước tính hiện vào khoảng 67-68 tỉ USD, tương ứng với 3,1 tháng nhập khẩu (đã tính vào dự báo tăng trưởng nhập khẩu năm 2019). Dự trữ ngoại hối gia tăng sẽ giúp NHNN hỗ trợ đồng VND khi cần thiết.