Nội Dung
Thị trường chứng khoán (TTCK) luôn là mảnh đất đầu tư đầy mới lạ, màu mỡ cho các nhà đầu tư. Tạm gác lại các sản phẩm đã quá quen thuộc với nhà đầu tư chứng khoán như: Chứng khoán Cơ Sở, Chứng Khoán Phái Sinh, Chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư đang được làm quen với thuật ngữ mới, dự đoán sẽ là “miếng mồi ngon” trong thời gian tới: CHỨNG QUYỀN CÓ ĐẢM BẢO (Coverred Warrant – CW). Với những tên gọi khác nhau, các thị trường chứng khoán trên thế giới đã gọi tên CW: Anh, Đức, Úc, Canada, Hongkong, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan. Và tiếp đây, ngày 28/6/2019, thị trường chứng khoán ở Việt Nam sẽ chính thức ra mắt CW.
1. Điểm Cộng – Trừ của Chứng Quyền có đảm bảo (CW)
Ba điểm cộng cho CW đó là:
- Công cụ hỗ trợ phòng ngừa rủi ro đắc lực dựa trên sản phẩm Chứng khoán Cơ Sở với chi phí thấp do đặc tính đòn bẩy cao có thể lên đến 10 lần.
- Giới hạn lỗ tối đa có thể dễ dàng kiểm soát chỉ là chi phí để sở hữu CW ban đầu.
- Không yêu cầu ký quỹ: ưu thế hơn so với giao dịch chứng khoán Phái Sinh.
Bên cạnh đó, điểm Trừ khiến các nhà đầu tư cần cân nhắc trước khi quyết định đầu tư CW:
- Rủi ro về tổ chức phát hành: do nghĩa vụ bắt buộc phải thanh toán cho nhà đầu tư tại thời điểm đáo hạn, nhà đầu tư có thể chịu rủi ro không nhận được phần này nếu tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán.
- Biến động về chứng khoán cơ sở: do sự neo giá của CW với giá chứng khoán Cơ Sở nên nếu biên độ dao động giá của chứng khoán Cơ Sở càng cao thì giá của CW cao và tất nhiên, lợi nhuận của nhà đầu tư càng lớn
2. Diễn biến sắp tới của TTCK dành cho Chứng Quyền có đảm bảo (CW)
Chứng Quyền có đảm bảo (CW) là chiến lược mới khá mạo hiểm đối với cả CTCK phát hành và cả nhà đầu tư nên thị trường giao dịch CW khá dè dặt với 8 CTCK đặt bước tiến đầu tiên bao gồm: VND, SSI, HSC, VPS, BSC, MBS, KIS, VCSC cùng 26 mã đủ điều kiện làm chứng khoán Cơ Sở cho CW bao gồm: MWG, FPT, MBB, CII, CTD, DHG, DPM, EIB, GMD, HDB, HPG, MSN, NVL, PNJ, REE, ROS, SBT, SSI, STB, TCB, VHM, VIC, VJC, VNM, VPB, VRE
Theo công bố của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Trong đó 3 mã chứng khoán: MWG, FPT, MBB là lựa chọn ưu ái hơn với các CTCK phát hành do tỷ lệ Free Float lớn, là những mã của công ty có dư địa tăng giá, biên độ biến động thấp.
3. Thị trường chứng khoán đang làm gì để chào sàn Chứng quyền có đảm bảo
Để đảm bảo cho Chứng Quyền có đảm bảo (CW) sẵn sàng lên bệ phóng chào sàn vào ngày 28/6 tới, mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn tất về mặt pháp lý, công tác đào tạo và hệ thống giao dịch.
Vể mặt pháp lý, trên nền tảng của Thông tư 107/2016/TT-BTC hướng dẫn chào bán và giao dịch CW, các văn bản pháp quy đã được ban hành và có hiệu lực, hình thành khung pháp lý quy định và hướng dẫn đầy đủ để đảm bảo các hoạt động của CW được an toàn, bao gồm: Thông tư 23/2018/TT-BTC về chế độ kế toán; công văn 1468/BTC-CST về chính sách thuế; quy chế Ủy ban Chứng khoán theo Quyết định số 72/QĐ-UBCK và các quy chế của HOSE, VSD. Ở góc độ cơ quan chức năng, HOSE sẽ phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức buổi họp báo chuyên đề “Triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm” vào giữa tháng 6.
Công tác đào tạo chuyên môn cho nhân sự tại các CTCK, phổ biến và chia sẻ kiến thức cho các nhà đầu tư cũng đã được rất nhiều CTCK tiến hành. Cụ thể: Công ty chứng khoán SSI tổ chức hội thảo vào ngày 6/6 và 10/6 tại 2 đầu HN và TP. HCM , Công ty Chứng khoán VNDirect cũng tổ chức hội thảo vào 2 ngày 25/5 và 1/6,…
Về hệ thống giao dịch,HOSE và các CTCK đã chuẩn bị đầy đủ về công nghệ, nhân sự, nguồn lực tài chính. CW được giao dịch tương tự như giao dịch cổ phiếu nên HOSE không phải điều chỉnh hệ thống giao dịch. Tính đến thời điểm hiện tại, HOSE và các CTCK đăng ký đã hoàn thành việc chạy thử nghiệm nội bộ, đã và đang hoàn thiện hệ thống phụ trợ.
Như vậy, Chứng Quyền có đảm bảo (CW) đã sẵn sàng lên bệ phóng, các CTCK đã sẵn sàng ra mắt sản phẩm tới các nhà đầu tư. Với những tính năng, đặc điểm ưu việt hơn so với các sản phẩm đang có trên thị trường, lợi nhuận cao cũng đi kèm rủi ro luôn song hành, chắc chắn CW sẽ tạo ra khẩu vị mới, “hot trend” mới cho các nhà đầu tư./.