Những động lực tăng trưởng mới
Năm 2019, MWG đặt mục tiêu doanh thu cả năm là 108,468 tỷ đồng, tăng 25%; còn lợi nhuận sau thuế ước đạt 3,571 tỷ đồng, tăng 24% so năm 2018. Dù đích đến 10 tỷ USDvẫn còn khá xa, đòi hỏi không chỉ nhiều nỗ lực mà còn nhiều sáng kiến mới của MWG. Ở vị trí nhà bán lẻ số 1 Việt Nam, MWG đã quen với sức ép phải liên tục tăng trưởng cao trong nhiều năm, tăng trưởng doanh thu trung bình lên tới hơn 50% mỗi năm.
Ít ai ngờ chuỗi cửa hàng chuyên bán điện thoại lại có ngày đạt doanh thu lên tới 1,700 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm nhờ bán hơn 10 triệu sản phẩm xoong nồi, dụng cụ nhà bếp… và đặt mục tiêu đạt 7,000 tỷ đồng từ mặt hàng này trong năm 2019. Theo tính toán của TGDĐ, đến cuối năm 2020, Bách hóa Xanh sẽ mở thêm 700-1,000 cửa hàng, doanh thu chắc chắn vượt 3,000 tỷ đồng/tháng của chuỗi cửa hàng Thế giới Di động. Đến năm 2022, doanh thu của Bách hóa Xanh bằng doanh thu 2 chuỗi này cộng lại.
Những con số khổng lồ buộc người ta phải nhớ lại xuất phát điểm của Thế giới Di động 15 năm trước không hề bằng phẳng. Năm 2003, ông Tài bỏ công việc giám đốc chiến lược tại một hãng điện thoại để lập nghiệp. Năm 2009, khi ông Tài tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc cách mạng trong ngành điện thoại di động ở Việt Nam thì nhiều người xem đó là chuyện cười.
Hình Chris Freund, CEO Mekong Capital: Thế Giới Di Động là một trong những khoản đầu tư thành công nhất trong lịch sử đầu tư cổ phần tư nhân châu Á
Tuy nhiên, ông Tài đã làm được và không những thế làm rất lớn. “Khi chúng tôi mới đầu tư vào Thế giới Di động năm 2007, họ mới chỉ có 7 cửa hàng và giá trị công ty 10 triệu USD. Hiện nay, TGDĐ đã có 3 thương hiệu với gần 3,000 cửa hàng và hơn 40,000 nhân viên trên khắp cả nước. So với mục tiêu ban đầu của chúng tôi là tăng lên 50 cửa hàng và giá trị công ty là 50 triệu USD, sự thành công của khoản đầu tư này đã vượt quá kỳ vọng cao nhất của chúng tôi. Đây cũng một trong những khoản đầu tư thành công nhất trong lịch sử đầu tư cổ phần tư nhân của châu Á”, ông Chris Freund, người sáng lập Mekong Capital, cho biết. Nhận xét về TGDĐ, ông Chris Freund, cũng từng cho rằng có nhiều yếu tố tạo nên thành công cho TGDĐ nhưng cốt lõi là sự cởi mở, chủ động, sẵn sàng cải tiến.
10 năm tới sẽ là gì?
Nhờ luôn luôn cải tiến, công ty của ông Tài giờ đã trở thành hãng kinh doanh điện thoại di động hàng đầu Việt Nam và là một trong những công ty niêm yết lớn nhất nước với vốn hóa 1.7 tỷ USD, luôn dẫn đầu trong những công ty kinh doanh hiệu quả nhất.
Trao giải thưởng Công ty Kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2018 cho đại diện của TGDĐ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng Top 50 công ty được vinh danh lần này xứng đáng là đại diện cho cộng đồng kinh tế năng động của Việt Nam. Kết quả kinh doanh của các công ty này đã cho thấy doanh nghiệp Việt Nam tự tin, cạnh tranh sòng phẳng bằng năng lực của họ.
Các đại diện như TGDĐ đang tạo ra xung lực mới cho khối kinh tế tư nhân – được coi là động lực quan trọng để phát triển đất nước với đóng góp trên 40% GDP và có xu hướng ngày càng tăng. Trong 10 năm qua, TGDĐ tăng trưởng liên tục với các con số ấn tượng: Doanh thu tăng 44 lần, thống trị 45% thị phần điện thoại di dộng, 35% thị phần điện máy. Ông Tài ví doanh nghiệp của mình như “một con báo gấm với những cú nước rút kinh điển”. Doanh thu, lợi nhuận cũng bắt kịp được tốc độ mở chuỗi khi đều đặn tăng trưởng. “Mục tiêu của tôi bây giờ là doanh thu 10 tỷ USD năm 2022”, ông Tài cho biết.
Để đạt mục tiêu đó, lãnh đạo TGDĐ khẳng định rằng Điện máy Xanh và Bách hóa Xanh chính là tương lai của TGDĐ. Người ta không biết chính xác khi nào TGDĐ đạt được 10 tỷ USD nhưng biết chắc chắn Công ty này có kế hoạch cụ thể để đạt con số đó. “Hai mươi năm tới, MWG sẽ là một đế chế bán lẻ. Chúng tôi không chỉ ngồi đây mà còn đi ra thế giới” – ông Tài tiết lộ gần đây.
“TGDĐ có kế hoạch rõ ràng làm thế nào để phát triển doanh nghiệp và theo dõi các KPI quan trọng. Họ đã xây dựng một đội ngũ quản lý vững mạnh và văn hóa doanh nghiệp xuất sắc, đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết và tạo nên một bộ máy không ngừng đặt ra các tiêu chuẩn mới cho ngành bán lẻ tại Việt Nam”, ông Chris Freund cho biết và cho rằng sức mạnh tạo nên TGDĐ ngày nay chính là sự học hỏi và thích ứng không ngừng.
“Chúng tôi khá là tiếc khi thoái vốn khỏi TGDĐ năm 2018. Với đội ngũ và nền tảng hiện tại, chắc chắc TGDĐ sẽ còn thành công hơn nữa, đặc biệt khi công ty đang đẩy mạnh Bách hóa Xanh trở thành chuỗi siêu thị hàng đầu Việt Nam”, ông Chris Freund cho biết.
Từ Thế giới Di động, những lãnh đạo trẻ của công ty này có thể chuyển thành “Di động quanh Thế giới” để có thể tạo ra năng lực “bán cả thế giới”.