CƠN SỐT PHÒNG VÉ MANG TÊN “KÍ SINH TRÙNG” Có một tầng lớp nô lệ mang tên “phụ nữ”

0
512

Phụ nữ Hàn Quốc rất đẹp, nhưng ẩn sau vẻ đẹp đó là cả một sự bi thương về cuộc sống không khác gì nô lệ trong một xã hội còn gia trưởng hơn cả Việt Nam.

Trong phim “Ký sinh trùng” (Parasite), phân đoạn nhân vật Kim Ki Taek làm tài xế riêng cho ông Park đã hỏi ông chủ rằng ông có yêu vợ không, đáp trả lại là một ánh nhìn đầy ám ảnh. Đến đoạn gần cuối phim trong lễ sinh nhật của người con nhỏ Park Da Song, ông Kim lại thán phục ông chủ của mình rất yêu vợ và đáp lại cũng là một ánh mắt kỳ quặc.

Có thể nói, tình yêu trong mắt người giàu Hàn Quốc rất lạ. Vợ của ông chủ Park rất đẹp và rất hiền, nhưng đằng sau phận sống của một bà chủ nói riêng và của những phụ nữ Hàn Quốc nói chung ngày nay là cả một câu chuyện bi thương về kiếp nô lệ.

Những nô lệ xinh đẹp.

Hàn Quốc là một nước có tư tưởng trọng nam khinh nữ vô cùng nặng. Nghe có vẻ lạ khi nền kinh tế thứ 4 Châu Á này với tư tưởng Phương Tây lại coi thường phái yếu đến vậy.

Những bộ phim tình cảm lãng mạn, những lối ứng xử lịch thiệp với nữ giới chỉ có trong phim hoặc mang tính hình thức. Quan điểm nữ giới ở nhà lo sinh con, nội trợ và sự thống trị của đàn ông đã ăn sâu vào tư tưởng người Hàn. Tính gia trưởng được thể hiện vô cùng rõ nhưng bị mọi người cố tình lờ đi.


Hàn Quốc đứng đầu các nước phát triển về bất bình đẳng thu nhập theo giới.

Bạn không tin ư? Khảo sát của Viện tội phạm Hàn Quốc (KIC) năm 2018 cho thấy 79,7% đàn ông Hàn từng bạo hành thể xác, hay đánh người phụ nữ của mình khi mới trong giai đoạn hẹn hò.

Nghiên cứu khác của tờ The Korea Herald cũng cho thấy 71% nam giới Hàn kiểm soát đầy gia trưởng với bạn gái, vợ mình trong các hoạt động xã giao, thậm chí với cả bạn bè hay người thân của họ. Việc chồng, bạn trai gọi điện kiểm tra hay quản lý việc ăn mặc khi ra đường của người yêu, vợ là điều thường xuyên diễn ra tại Hàn Quốc.

Kinh khủng hơn, khoảng 37,9% đàn ông Hàn thừa nhận từng quấy rối tình dục với chính người yêu của mình, khoảng 36,6% bạo hành tinh thần, khoảng 23% thừa nhận từng đóng sập cửa vào mặt bạn gái và có đến 0,06% nam giới dám thừa nhận từng đánh bồ mình đến thâm tím hoặc để lại sẹo.

Tương tự, số liệu của Đường dây nóng trợ giúp phụ nữ Hàn Quốc (KWH) cho biết có khoảng 61,6% nữ giới nước này thừa nhận bị bạn trai đánh khi còn hẹn hò.

Trớ trêu thay, cảnh sát hầu như chẳng quan tâm đến những chuyện này. Tháng 7/2018, Hàn Quốc từng rúng động với đoạn clip một người bạn trai đánh tới tấp bạn gái mình và thậm chí truy đánh xuống tận phố. Vậy mà chẳng ai ra can ngăn, còn cảnh sát chỉ xử phạt nhẹ.

Số liệu chính thức của văn phòng công tố hàn Quốc (SPO) cho thấy có đến 60% vụ bạo hành gia đình bị công tố viên từ chối vào năm 2015 và chỉ có 15,6% là thành công đưa ra xét xử. Tỷ lệ tái phạm các vụ bạo hành gia đình sau cảnh cáo tại Hàn Quốc đã tăng mạnh từ 7,5% năm 2008 lên 32,2% năm 2012.

Thế rồi những vụ quay lén, phát tán clip sex, quấy rối tình dục, cưỡng hiếp… xảy ra nhan nhản ở Hàn Quốc nhưng chẳng có ai lên tiếng. Chế tài pháp lý của Hàn quy định khá mơ hồ về định nghĩa “hiếp dâm” trong khi xã hội Hàn lại lên án nạn nhân, coi họ là hư hỏng và cố tình để bị quay trộm, bị hiếp dâm như vậy.

Trong vụ bê bối hiếp dâm và môi giới gái mại dâm của ngôi sao Seungri, vị CEO của câu lạc bộ “Burning Sun” đã hùng hồn tuyên bố nếu Seungri có tội thì mọi đàn ông Hàn Quốc cũng có tội. Cho đến tận thời điểm này, vụ việc trên vẫn chưa được giải quyết triệt để và những kẻ quay lén clip các cô gái vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Báo cáo năm 2015 của Cục bình đẳng giới Hàn Quốc (MGE) cho thấy 78% nạn nhân bị quấy rối tình dục ở công sở Hàn cho qua mọi thứ để tiếp tục sống bởi họ tin rằng mình sẽ chẳng nhận được sự hỗ trợ hay thông cảm nào từ xã hội nếu công khai mọi chuyện.


“Nếu Seungri có tội thì tất cả đàn ông Hàn Quốc đều có tội”, CEO của hộp đêm Burning Sun nói.

Điều đáng phẫn nộ hơn nữa là dù nạo phá thai được cho phép tại Hàn Quốc khi nữ giới là nạn nhân bị hiếp dâm, chưa đủ tuổi thành hôn hay mắc các bệnh di truyền, nhưng phụ nữ lại cần phải có sự đồng ý của “đối tác” hay người bảo hộ để thực hiện nạo thai.

Nghe có vẻ kỳ quặc nhưng trong bất cứ xung đột nào, nếu không có bằng chứng rõ ràng, phụ nữ Hàn thường bị xã hội lên án trước. Mặc dù tư tưởng này đã suy giảm thời gian gần đây nhờ phong trào #MeToo nhưng vị thế của đàn ông và tính gia trưởng vẫn còn tồn tại.

Thậm chí trong phim ảnh, hình ảnh đàn ông làm chủ gia đình, có những quyết định quan trọng chi phối phụ nữ vẫn chiếm phần đông. Ngay cả trong các bộ phim tình cảm tay 3, đàn ông thường là người chủ động chi phối mối quan hệ. Những tác phẩm điện ảnh đề cao nữ quyền hay sức mạnh phái yếu hầu như rất ít trong phim Hàn Quốc.

Một xã hội gia trưởng hơn cả Việt Nam

Vào một ngày đẹp trời tháng 2/2019, một phụ nữ Hàn 23 tuổi đi xin việc cho vị trí bán hàng và nhận được câu hỏi: “Phụ nữ không hợp với vị trí bán hàng. Em là phụ nữ, tại sao em nghĩ mình hợp với ngành này?”.

Người phụ nữ giấu tên nói với hãng tin CNN cho buổi phỏng vấn sau đó rằng cô bị sốc nhưng không ngạc nhiên khi nghe câu hỏi này. Cô đã từng đi phỏng vấn nhiều nơi và các công ty đều hỏi đến kế hoạch kết hôn, sinh con của cô trong khi các đồng nghiệp nam chỉ được hỏi về chuyên môn.

Năm 2018, Hàn Quốc là nước có tỷ lệ nữ giới trong độ tuổi 25-34 có bằng đại học cao nhất giữa các thành viên của Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế (OECD). Trớ trêu thay, họ lại chỉ xếp thứ 30/36 về tỷ lệ lao động nữ.

Trong các báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) gần đây đều cho thấy sự phân biệt giới tính cực nặng trong xã hội Hàn. Quốc gia này chỉ đứng thứ 115/149 về bình đẳng giới, kém hơn cả Việt Nam (77/149).

Đồng quan điểm, Ngân hàng thế giới World Bank cho biết phụ nữ chỉ chiếm 17% số ghế trong nghị viện Hàn, một con số quá thấp.

Gần đây, vụ việc 3 ngân hàng lớn nhất Hàn Quốc là KB Kookmin Bank, KEB Hana Bank và Shinhan Bank bí mật loại bỏ hồ sơ của các nữ ứng cử viên và tự động nâng điểm thi tuyển đầu vào cho nam ứng viên đã khiến cả xã hội rúng động.

“Xã hội của chúng tôi bị chi phối bởi tư tưởng gia trưởng nam quyền. Đàn ông là kẻ có quyền lực trong khi nữ giới chỉ là những nô lệ chịu trách nhiệm sinh con và làm việc nhà”, Chủ tịch Choi Mi Jin của Trung tâm hỗ trợ luật pháp lao động nữ Hàn Quốc (WLLSC) nói.

Các công ty đối xử bất công với nữ giới Hàn chỉ bị phạt rất nhẹ. Ví dụ như trường hợp KB Kookmin Bank ở trên chỉ bị phạt 4.500 USD. Điều này khiến phụ nữ Hàn phải sống khá khổ sở với sự nghiệp riêng.

Ngay cả khi đã đi làm, các nữ nhân viên Hàn thường là đối tượng bị quấy rối tình dục nhiều nhất. Họ cũng ít khi nhận được sự đánh giá đúng đắn về năng lực. Trong 15.000 giám đốc cấp cao của 500 công ty lớn nhất Hàn Quốc, chỉ có 2,7% là nữ.

Hàn Quốc cũng là nước có bất bình đẳng thu nhập về giới cao nhất OECD với chênh lệch 36,7%. Nghĩa là cùng một công việc, nữ giới nhận được ít hơn nam giới hơn 30% thu nhập.

Tại công sở, những vụ quấy rối, chèn ép khiến phụ nữ Hàn gặp khó khăn thì khi về nhà, tư tưởng gia trưởng của cha, anh, bạn trai, chồng, con còn khiến họ mệt mỏi hơn. Văn hóa trọng nam khinh nữ đã ngấm vào hầu hết tư tưởng các gia đình Hàn Quốc. Ngay từ bé, những cậu con trai đã được nuôi dưỡng quan điểm làm chủ gia đình như vậy.

Với áp lực cuộc sống như thế, phụ nữ Hàn bùng nổ khi phong trào #MeToo xuất hiện. Tháng 6/2018, khoảng 22.000 phụ nữ đã biểu tình ở thủ đô Seoul đòi lại quyền sống, quyền công bằng và quyền làm người chính đáng. Họ phản đối những vụ quay trộm vô văn hóa bị xử nhẹ, những vụ bạo hành gia đình chẳng ai quan tâm hay những video ân ái bị bạn trai cũ phát tán.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here