2020, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng mạnh

0
1557

(ĐTCK) Mặc dù đã đáp ứng chuẩn Basel II, song nhiều ngân hàng có kế hoạch tiếp tục tăng vốn điều lệ trong năm 2020 để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Nhiều nhà băng nhỏ tăng vốn gấp đôi

Một trong những thách thức mà nhiều ngân hàng gặp phải khi triển khai Basel II là đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu để nâng cao hệ số an toàn vốn (CAR).

Theo tiêu chuẩn Basel II, tỷ lệ CAR của ngân hàng đạt mức tối thiểu 8% – giảm 1% về mặt số học so với của Basel I, nhưng việc tính toán phức tạp hơn. Mặt khác, để có cơ chế “thoáng hơn” trong tăng trưởng tín dụng, đòi hỏi ngân hàng phải tăng vốn.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận cho VietABank tăng vốn điều lệ từ gần 3.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thông qua.

Mục đích tăng vốn của VietABank là nhằm đạt chuẩn Basel II, đẩy mạnh đầu tư công nghệ thông tin, nâng cao năng lực tài chính để tăng trưởng quy mô…

Đến thời điểm này, VietABank chưa công bố kết quả 2019. Báo cáo tài chính quý III/2019 cho biết, tính đến 30/9/2019, quy mô tổng tài sản của VietABank đạt 72.680 tỷ đồng, tăng 1,9% so với đầu năm.

Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 12,8% đạt 42.768 tỷ đồng. Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 152 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ 2018.

Với kết quả này, VietABank mới hoàn thành 54% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2019 (281 tỷ đồng).

Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, kết thúc năm tài chính 2019, tổng tài sản VietABank đã tăng lên 76.525 tỷ đồng, nhiều chỉ tiêu tài chính khác cũng đạt và vượt kế hoạch được giao.

Một ngân hàng khác là Nam A Bank cũng mới được NHNN cho tăng vốn điều lệ từ hơn 3.890 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Chủ trương tăng vốn này đã được ĐHCĐ Nam A Bank thông qua trong phiên họp thường niên ngày 23/3/2019.

Cụ thể, Ngân hàng sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 536,55 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần để trả cổ tức.

Tiếp đó, Nam A Bank sẽ tăng vốn thêm hơn 1.109 tỷ đồng thông qua 3 phương án: Chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu hơn 43,9 triệu cổ phần, chào bán riêng lẻ 50,3 triệu cổ phần và phát hành 16,76 triệu cổ phần theo chương trình lựa chọn người lao động.

Thực tế, hồi tháng 9/2019, sau khi được NHNN chấp thuận việc tăng vốn lên 3.890 tỷ đồng, Nam A Bank đã hoàn thành việc chia cổ tức tỷ lệ 16% thông qua phát hành 53,65 triệu cổ phiếu.

Tiếp theo, ngày 2/12/2019, Nam A Bank có công văn đề nghị tăng vốn điều lệ đợt 2/2019, nâng vốn lên 5.000 tỷ đồng và tiếp tục được NHNN đồng ý.

Chưa dừng lại ở đó, lãnh đạo của Nam A Bank thông tin, Ngân hàng còn có kế hoạch tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng, trong đó có việc bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ 20%.

Về phía nhà quản lý, NHNN yêu cầu Nam A Bank thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật, bao gồm việc tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần của các cổ đông và người có liên quan của những cổ đông này theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) và các văn bản hướng dẫn của NHNN sau khi tăng vốn.

Trước đó, được sự phê duyệt của NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tháng 9/2019, SeABank đã hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 7.688 tỷ đồng lên 9.369 tỷ đồng.

Với VIB, NHNN cũng ban hành quyết định sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng này.

Theo đó, vốn điều lệ của VIB hiện nay là 9.245 tỷ đồng, thay vì mức 7.834 tỷ đồng như trước đó. Ngân hàng đã phát hành hơn 141 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ phát hành là 18%.

Tại OCB, nốn điều lệ của nhà băng này đã chính thức tăng lên 7.898 tỷ đồng. Hồi cuối quý II/2019, vốn điều lệ của OCB là 6.599 tỷ đồng.

Việc tăng vốn điều lệ của VIB được thực hiện thông qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20%, số cổ phần phát hành là gần 130 triệu cổ phiếu.

Với kế hoạch phát hành cổ phiếu của một số ngân hàng để tăng vốn trong thời gian tới, dự kiến bảng xếp hạng vốn điều lệ mới trong năm 2020 sẽ còn có nhiều thay đổi so với hiện tại. 

Ngân hàng lớn cũng không đứng ngoài cuộc

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, CAR là một trong những tỷ lệ quan trọng trong hoạt động tài chính ngân hàng.

Tuy nhiên, CAR của 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank) đã tiến sát ngưỡng cho phép theo quy định Basel II.

Trong trường hợp các ngân hàng này không được tăng vốn, hậu quả có thể là phải hạn chế, thậm chí ngừng cấp tín dụng.

Mới đây, BIDV đã phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng.

Sau phát hành, vốn điều lệ BIDV tăng đã từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Tại Vietcombank, năm 2016, Ngân hàng phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 35% (tương đương hơn 9.300 tỷ đồng) và đầu năm 2019, vốn điều lệ của ngân hàng tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng nhờ phát hành cổ phiếu cho GIC và Mizuho Bank. Hiện vốn điều lệ của Vietcombank là 37.088 tỷ đồng.

Với VietinBank, hiện ngân hàng này có vốn điều lệ là 37.234 tỷ đồng.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, ngoài phương án giữ lại lợi nhuận giai đoạn 2017-2018 để tăng vốn trong năm 2020, Ngân hàng sẽ tiếp tục nghiên cứu các phương án tăng vốn khác để trình Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Ngân hàng cũng sẽ cải thiện vốn tự có bằng nguồn vốn cấp 2 thông qua việc phát hành trái phiếu.

Theo ông Thọ, về cơ bản, VietinBank đã đáp ứng toàn diện các yêu cầu theo tiêu chuẩn Basel II về cơ cấu quản trị, quy trình, quy định kiểm soát nội bộ.

Ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt tăng vốn và thực hiện tăng vốn điều lệ, VietinBank đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực Basel II. Ngân hàng sẽ tập trung tăng khả năng tự chủ tài chính, tăng khả năng tích lũy nội bộ.

Mặc dù các ngân hàng đã nỗ lực tăng vốn bằng một phần lợi nhuận để lại hoặc phát hành thêm cho đối tác chiến lược. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng thì vốn điều lệ theo tính toán vẫn cần phải tăng hơn từ nguồn vốn góp thêm của các cổ đông.

“Với dự kiến sẽ tăng được vốn trong năm 2020, tăng trưởng tín dụng của VietinBank sẽ ở mức 8-10%, thậm chí cao hơn nếu lộ trình tăng vốn được đẩy nhanh”, ông Thọ thông tin.

Năm 2020 là thời hạn mà 10 ngân hàng thuộc diện thí điểm (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Techcombank, ACB, VPBank, MB, MSB, Sacombank và VIB) phải đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN.

Do đó, ngân hàng nào chưa đáp ứng được yêu cầu này sẽ buộc phải đẩy nhanh hơn kế hoạch tăng vốn.

Không chỉ mục tiêu tăng vốn để đáp ứng quy định của Thông tư 41, với các ngân hàng có vốn nhà nước, việc tăng năng lực tài chính còn nhằm chuẩn bị cho kế hoạch vươn mình ra khu vực.

Hiện tại, các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của VietinBank, Vietcombank đều kỳ vọng được tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại đây.

Tại buổi làm việc với VietinBank mới đây, đại diện MUFG mong muốn VietinBank thực hiện được mục tiêu tăng vốn sớm nhất có thể và cho biết, MUFG luôn sát cánh với VietinBank trong mọi nỗ lực để thúc đẩy tiến trình tăng vốn.

Hiện cổ đông này nắm gần 20% vốn của VietinBank.

Theo lãnh đạo VietinBank, việc tăng vốn của Ngân hàng là vô cùng cần thiết để đảm bảo năng lực tài chính.

Chính phủ đã có chủ trương tăng vốn cho các ngân hàng và VietinBank sẽ được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017, 2018 để tăng vốn.

Điểm thuận lợi nữa là theo quy định mới của Thông tư 33/2019/TT-NHNN, các ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nhà nước trên 50% được chủ động phát hành trái phiếu riêng lẻ để tăng vốn cấp 2, mà không phải xin phép NHNN.

Mặt khác, ở thời điểm hiện tại, Chính phủ hoan nghênh các nhà đầu tư tham gia tái cấu trúc ngân hàng, nhất là những ngân hàng yếu kém.

Trong những trường hợp như vậy, Chính phủ sẽ không khống chế tỷ lệ sở hữu và có thể xem xét để nhà đầu tư nước ngoài mua 100% vốn của các ngân hàng đó.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, khi không thể dùng ngân sách để tăng vốn cho các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, thay vì giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 65%, cổ đông nhà nước có thể giảm tỷ lệ này xuống 51% và nới thêm room ngoại.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here