Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất: Tiền tươi thóc thật

0
493

Quyết định giảm các lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có giá trị lớn đối với chi phí hoạt động của các ngân hàng thương mại.

Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 16/9 này, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng bắt đầu giảm.

Mức giảm 0,25%/năm mỗi loại thoạt tiên là một bước nhỏ, cũng như số dư các nguồn liên quan mang tính thời điểm, hoặc chưa được thống kê và cập nhật đầy đủ, nên một số công ty chứng khoán cho rằng đây chủ yếu chỉ mang tính định hướng và tâm lý.

Tuy nhiên, đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại, bước giảm này có giá trị tiền tươi thóc thật, bên cạnh giá trị xoa dịu các mũi nhọn cạnh tranh lãi suất huy động trên thị trường chung.

Trước hết, từ năm 2015, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2358/QĐ-TTg về lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), một kênh hỗ trợ vốn có chi phí thấp được mở ra.

Trong quá trình hoạt động của các tổ chức tín dụng, tiếp cận kênh tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu VAMC được ghi nhận tại một số thời điểm, gắn với một số ngân hàng thương mại, đặc biệt ở những thành viên đang tiến hành tái cơ cấu.

Quy mô nguồn tái cấp vốn này tùy thuộc vào nhu cầu, vào từng giai đoạn mà Ngân hàng Nhà nước cân nhắc liều lượng; bản thân mỗi ngân hàng thương mại cũng tự cân nhắc chi phí. Ví như ghi nhận tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) năm ngoái, sau khi cân đối nguồn và chi phí huy động vốn trên thị trường 1 (dân cư và tổ chức kinh tế) thuận lợi hơn, Sacombank đã chủ động tất toán bớt nguồn vay tái cấp vốn qua trái phiếu VAMC…

Như trên, với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lãi suất tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu VAMC thấp hơn 2%/năm so với mức lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước công bố trong từng thời kỳ. Sau lần giảm vào tháng 7/2017 và lần này, lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước chỉ còn 6%/năm, tức chi phí vay qua kênh trái phiếu VAMC chỉ còn 4%/năm.

Ở kênh thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm. Phải sau 6 năm, lãi suất này mới thực sự xuống thấp, cùng với lần giảm vào đầu năm 2018.

Ở kênh này, giá trị tiền tươi thóc thật từ quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước dễ định lượng hơn, do tại mỗi thời điểm đều có số dư cụ thể.

Tại thời điểm hiện tại, số dư vay của các ngân hàng thương mại qua kênh OMO này bằng 0. Theo đó, giá trị giảm lãi suất tạm thời chưa thể hiện. Tuy nhiên, đây là kênh tiếp cận vốn và chi phí sát sườn trong hoạt động của nhiều ngân hàng thương mại và mang tính mùa vụ.

Như cuối tháng 8 đầu tháng 9 vừa qua, lượng vốn vay ở kênh này phát sinh quy mô khá lớn, với số dư gần 20.000 tỷ đồng. Hay trước nữa, cuối tháng 6/2019, có phát sinh quy mô 12.000 tỷ đồng…

Lớn hơn, hàng năm, bước vào quý 4, nhu cầu vốn của hệ thống lên cao, kênh bơm vốn qua OMO thường mở ra. Cao điểm, số dư vay ở kênh này quãng cuối năm đến sau Tết Nguyên đán những năm qua đều ghi nhận quy mô lớn, từ 150.000 – 170.000 tỷ đồng. Với lãi suất được giảm thêm 0,25%/năm, chi phí giảm bớt ở đây là đáng kể.

Như trên, các kênh hỗ trợ nguồn cho các ngân hàng thương mại đang bớt dần chi phí qua giảm lãi suất. Giá trị liên quan cũng giúp xoa dịu các mũi nhọn cạnh tranh lãi suất huy động trên thị trường, cũng như trên liên ngân hàng.

Tất nhiên, liều lượng ở các kênh hỗ trợ này tùy thuộc vào Ngân hàng Nhà nước, cân đối theo các mục tiêu, định hướng nới lỏng hoặc linh hoạt tại mỗi thời điểm.

Như hiện nay, mặc dù không phát sinh nhu cầu, nhưng hàng ngày cơ quan này vẫn treo 1.000 tỷ đồng sẵn sàng cho vay trên thị trường mở, mà lãi suất bắt đầu giảm từ 4,75% xuống 4,5%/năm từ tuần tới.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here