Chứng khoán Mỹ “lặng sóng” trước sự kiện FED

0
548

Giới đầu tư chờ bài phát biểu của chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (FED) Jerome Powll ở Jackson Hole vào ngày thứ sáu…

Chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ hầu như không thay đổi trong phiên giao dịch ngày thứ năm, khi thị trường đón nhận những dữ liệu kinh tế tốt xấu đan xen và chờ bài phát biểu của chủ tịch Cục Dự trưc Liên bang (FED) vào ngày thứ sáu.

Theo hãng tin Reuters, thống kê của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước giảm mạnh hơn dự báo – một dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm của Mỹ vẫn vững vàng trong lúc ngành sản xuất đi xuống và có nhiều ý kiến lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất có thể sắp rơi vào suy thoái.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của công ty nghiên cứu IHS Market cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 8 giảm lần đầu tiên trong gần một thập kỷ. Số liệu này khiến một số nhà đầu tư cho rằng hoạt động kinh tế Mỹ đang suy yếu trên diện rộng và thương chiến Mỹ-Trung leo thang có thể kéo tụt tăng trưởng.

Sau khi chỉ số PMI trên được công bố, đường cong lợi suất giữa trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm có lúc đảo ngược – một dấu hiệu kinh điển của suy thoái. Tuần trước, sự đảo ngược đường cong lãi suất tương tự đã xảy ra, khiến giới đầu tư hoảng loạn và bán tháo cổ phiếu.

“Việc ngành sản xuất không chỉ giảm tốc mà còn co lại đã gây bất ngờ một chút”, chiến lược gia trưởng Oliver Pursche thuộc Bruderman Asset Management nhận xét.

Tuy nhiên, ông Pursche nhấn mạnh rằng số liệu việc làm khả quan đã bù lại ảnh hưởng tiêu cực của số liệu ngành sản xuất đối với tâm lý nhà đầu tư. “Đó là lý do vì sao chúng tôi không cho rằng suy thoái sâu có thể xảy ra”, ông nói.

Trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch, S&P 500 giằng co nhẹ giữa giảm và tăng.

Nhiều chiến lược gia nói rằng nhà đầu tư đang dừng lại trước bài phát biểu vào ngày thứ Sáu của Chủ tịch FED Jerome Powell tại hội nghị thường niên của ngân hàng trung ương này ở Jackson Hole. Bài phát biểu được kỳ vọng sẽ đưa ra thêm những tín hiệu mới về khả năng cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.

Gây áp lực giảm lên S&P 500 trong phiên này còn có phát biểu của hai vị quan chức FED với quan điểm kém mềm mỏng hơn kỳ vọng của thị trường. Chủ tịch FED chi nhánh Philadelphia và Chủ tịch FED chi nhánh Kansas cùng nói rằng nền kinh tế Mỹ không cần có thêm biện pháp kích cầu vào thời điểm này.

Theo chiến lược gia Michael Antonelli thuộc Robert W. Baird nói rằng số liệu gây thất vọng về ngành sản xuất và sự đảo ngược chớp nhoáng của đường cong lợi suất trong phiên này lẽ ra đã trở thành “công thức bán tháo”, nhưng thị trường vẫn trụ vững.

Ông Antonelli cho rằng thị trường đang chuyển động chậm lại trước một sự kiện lớn – sự kiện Jackson Hole.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,19%, đạt 26.252,24 điểm. S&P 500 giảm 0,05%, còn 2.922 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,36%, còn 7.991,39 điểm.

Cổ phiếu Nordstrom tăng 15,9%, trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất trong S&P 500 phiên này, sau khi hãng bán lẻ công bố lợi nhuận quý tốt hơn dự báo.

Dow Jones nhận được cú huých từ cổ phiếu Boeing với mức tăng 4,2% sau khi có tin hãng chế tạo máy bay này có thể tăng sản lượng 737 Max – dòng phi cơ đang bị đình bay – từ đầu tháng 10. Thông tin này cho thấy 737 Max có thể được bay trở lại trong quý 4 năm nay.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,16 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,54 lần.

Có 5,65 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 7,48 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here