Theo đánh giá của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đang diễn biến không được thuận lợi và có phần trầm lắng, nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương đẩy mạnh rà soát dự án và chính sách thắt chặt tín dụng bất động sản. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest, khâu thủ tục hành chính, luật pháp mới là nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn tới bế tắc của thị trường.
“Chúng tôi có dự án, thủ tục xong rồi mà giờ khái niệm Luật Đất đai 2014 thay đổi nên coi như phải làm lại từ con số 0. Trong khi thời gian cấp chứng nhận thủ tục đầu tư đến 3 năm mới xong, thủ tục hành chính thì phức tạp vô cùng. Những thủ tục này hiện nay đang rối như một mớ bòng bong khiến doanh nghiệp mệt mỏi. Trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội chỉ phê duyệt 6 dự án, cho thấy tình hình căng thẳng như thế nào. Có lúc, chúng tôi chỉ muốn bỏ dự án cho khỏe”, ông Hiệp chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ, ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hội bất động sản Hải Phòng cho biết: Ông phải làm thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch dự án mất 3 năm mới hoàn thành. Lúc nộp hồ sơ, người được giao phụ trách lại phải đi học chứng chỉ, công việc không thể bàn giao cho người khác. Đi học xong lại có đợt thanh kiểm tra, vậy là thời gian điều chỉnh quy hoạch lại kéo dài.
Phân tích rõ hơn về ách tắc thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án nhà ở thương mại, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM trích dẫn, mặc dù đã có quyết định chủ trương đầu tư của UBND thành phố, nhưng doanh nghiệp không được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, do khoản 7 Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị quy định “chủ đầu tư tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư”, trong khi khoản (8.a) Điều 33 Luật Đầu tư quy định ghi tên nhà đầu tư trong “Quyết định chủ trương đầu tư” dự án nhà ở đã được giải phóng mặt bằng.
Có thể hiểu là, sau khi đã tạo lập được quỹ đất đầu tư và đã có “Quyết định chủ trương đầu tư”, thì nhà đầu tư lập và trình duyệt “quy hoạch chi tiết” trước. Nếu không có “quy hoạch chi tiết” được duyệt thì không thể “lập dự án đầu tư xây dựng” và thực hiện thủ tục “công nhận chủ đầu tư” dự án.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản nhìn nhận: hiện nay, thủ tục phức tạp đang làm cho tiến trình chậm lại, khiến cho cung và cầu bị lệch lạc. Với chủ đầu tư, vướng mắc từ thủ tục hành chính sẽ làm tăng thời gian và chi phí, khiến họ mệt mỏi và nản lòng. Đáng lo ngại hơn, thủ tục hành chính còn khiến các doanh nghiệp quay lưng với địa phương, làm mất cơ hội phát triển của địa phương. Trong khi đó, với chính quyền địa phương, vướng mắc sẽ làm chậm tiến trình phát triển kinh tế, phát triển đô thị, làm giảm niềm tin của doanh nghiệp.