Phiên giao dịch 30/7, cổ phiếu YEG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 vẫn chưa “cầm được máu”. Ngay từ đầu phiên giao dịch, YEG đã giảm sâu và đến 10’, cổ phiếu về mức giá sàn. Khối ngoại đã bán ròng cổ phiếu YEG 5 phiên liên tiếp dù khối lượng bán khá nhỏ.
So với đỉnh 3 tháng, YEG chỉ còn nửa giá trị còn nếu so với đỉnh 6 tháng với mức giá cao nhất là 250.000 đồng/cổ phiếu thì cổ phiếu YEG đã giảm 75%.
Vốn hoá cổ phiếu YEG-vì thế- cũng rơi từ ngưỡng hơn 7.800 tỷ đồng về còn chưa đầy 2.000 tỷ. Như vậy là, chỉ trong chưa đầy 6 tháng, vốn hoá cổ phiếu YEG đã bốc hơi 5.800 tỷ đồng! Đây là con số không hề nhỏ.
Sau sự cố với Youtube, mô hình của Yeah1 càng lúc càng cho thấy phản ứng dây chuyền rất dễ xảy ra và mô hình tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dù Youtube-theo lời của lãnh đạo Yeah1 cũng như theo các thông tin từ trước đến nay tập đoàn đã công bố- chỉ chiếm phần nhỏ trong hệ sinh thái của Yeah1 nhưng phản ứng dây chuyền khiến công ty phải lần lượt thực hiện rất nhiều động thái lớn như: mua cổ phiếu quỹ, chuyển nhượng vốn đầu tư tại ScaleLab LLC…
Quý 2/2019, quý đầu tiên sau sự cố Youtube, Yeah1 chỉ còn báo đạt doanh thu thuần hơn 356 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn tăng mạnh hơn 57%, chủ yếu tại mảng quảng cáo và chia sẻ nội dung trên nền tảng kỹ thuật số (tăng hơn 2 lần từ 200 tỷ lên hơn 485 tỷ đồng). Kết quả, lợi nhuận gộp mang về chỉ còn 13 tỷ đồng, điều chỉnh mạnh so với mức 138 tỷ đồng cùng kỳ 2018.
Không chỉ lãi gộp giảm sâu, công ty còn phải trích lập 87 tỷ đồng chi phí dự phòng phải thu khó đòi khiến quý 2/2019 trở thành quý ảm đạm nhất của Yeah1 kể từ trước đến nay với khoản lỗ ròng hơn 101 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 42 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2019, Công ty đạt doanh thu thuần gần 743 tỷ đồng và ghi nhận lỗ ròng hơn 94 tỷ đồng. So với kế hoạch 2.000 tỷ doanh thu, Công ty mới thực hiện hơn 37% chỉ tiêu còn tất nhiên con đường đi đến đích lãi ròng 180 tỷ trở nên xa hơn rất nhiều. Mặc dù ban lãnh đạo Yeah1 vẫn kỳ vọng cả năm 2019 sẽ có lãi ròng 180 tỷ và ra chiến lược mới sau sự cố sẽ tiếp tục phát triển mảng kỹ thuật số trên những nền tảng còn lại như Facebook, Google; đặc biệt Công ty bắt đầu xây dựng những gì của riêng mình như đẩy mạnh công tác tự sản xuất nội dung hay phát triển một số kênh tự chủ (ví dụ Nickelodeon) nhưng dường như, nhà đầu tư vẫn chưa thể chấp nhận tin tưởng đồng hành cùng cuộc chơi mới này. Cổ phiếu YEG-tính đến 10h30’ ngày 30/7/2019-vẫn dư bán sàn hơn 35 nghìn đơn vị và nguồn tiền “cứu nguy” cổ phiếu YEG như lần rơi thảm hại trước vẫn chưa thấy đâu